Gia đình chị C.T.Du (xã Niêm Tòng, Mèo Vạc, Hà Giang) có 2 con đủ trai và gái. Vài năm trước, chồng chị Du muốn sinh thêm con. Được sự tư vấn của hội phụ nữ thôn, chị Du đã thực hiện kế hoạch hóa gia đình, để vợ chồng tập trung làm kinh tế, con cái được học hành, chăm sóc sức khỏe. Hàng ngày, hai vợ chồng chị xuống thị trấn Mèo Vạc bán hàng.
Hội phụ nữ xã cũng thường xuyên tuyên truyền cho gia đình về cách chăm sóc con khỏe mạnh, từ bỏ các thủ tục lạc hậu, xóa bỏ định kiến giới trong gia đình, phụ nữ và nam giới đều có thể tham gia sản xuất, phát triển kinh tế.
Còn tại 1 xã khác của Mèo Vạc là Pả Vi, trước đây đồng bào dân tộc Mông chỉ biết trồng ngô trên các mỏm đá tai mèo, nông nghiệp manh mún tự cung tự cấp, đói nghèo bủa vây. Nhiều năm nay, nhờ các chính sách hỗ trợ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) các gia đình trong bản bắt đầu phát triển kinh tế gia đình bền vững theo hướng khai thác du lịch. Phụ nữ được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu giúp họ nâng cao quyền năng kinh tế, tự tin khẳng định vị thế với gia đình, xã hội.
Phát huy vai trò của Hội LHPN
Mèo Vạc là huyện biên giới phía Bắc, cũng là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước với 96% dân số là đồng bào DTTS. Nhiều năm nay, địa phương luôn ưu tiên nhiệm vụ thực hiện các chính sách dân tộc, chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS.
Trong đó, với vai trò được giao là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS&MN” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm triển khai tốt mục tiêu dự án đề ra.
Hội LHPN huyện Mèo Vạc có trên 17.600 hội viên, trong đó gần 16.800 hội viên là người DTTS, sinh sống chủ yếu ở các địa bàn vùng cao, biên giới. Cuộc sống của đa số hội viên còn nhiều khó khăn, bởi phải gánh nặng hủ tục, tập quán lạc hậu.
Để giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, giúp chị em tự tin vươn lên, Hội tập trung tổ chức các lớp tập huấn, hội thi, các chiến dịch truyền thông, diễn đàn, nhân rộng mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trang bị các tài liệu bình đẳng giới, xây dựng gói hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn, v.v...
Các cấp hội đã thành lập 197 tổ truyền thông cộng đồng với hơn 1.000 thành viên, tổ chức được 108 cuộc truyền thông thu hút gần 1.900 người tham gia, nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới, thay đổi định kiến về giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em.
Đặc biệt là tổ chức các buổi truyền thông tại thôn, bản chủ đề lồng ghép nói không với tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên. Các buổi truyền thông đa dạng phong phú dưới nhiều hình thức như diễn văn nghệ, hội thi, được thể hiện song ngữ với nhiều dẫn chứng cụ thể sát với thực tiễn.
Năm 2024, huyện phát động phong trào nói không với tảo hôn và sinh con thứ 3. Trong đó, Hội phụ nữ các cấp tích cực tổ chức tuyên truyền tới hội viên tại thôn bản. Nhiều hoạt động truyền thông lưu động bằng tiếng Kinh và tiếng Mông tại các tuyến đường và khu dân cư.
Ngoài ra, các cấp Hội LHPN trong huyện cũng giúp nhau phát triển kinh tế, phối hợp với các ngành liên quan mở lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hội viên. Từ đó, phụ nữ DTTS tại đây đã vươn lên xóa đói giảm nghèo góp phần cùng địa phương thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ Dự án 8, đồng bào DTTS tại Mèo Vạc được tham gia nhiều hoạt động truyền thông, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những phong tục, tập quán lạc hậu; giảm tình trạng bạo lực gia đình; tạo chuyển biến tích cực trong việc chăm lo sức khỏe, tinh thần của phụ nữ vùng DTTS.