Không chỉ là ngày một ngày hai đến khám hiếm muộn, có chị em phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng chờ đợi. Nhưng chạnh lòng hơn là họ phải "đơn thân độc mã" khi chồng bất hợp tác không chịu tới phòng khám...

Có tới các phòng khám sản phụ khoa, dù là những phòng khám tư hay bệnh viện lớn, mới thấy hết được trăm nỗi cơ cực và mệt mỏi của các chị em đi khám vô sinh và hiếm muộn. Trên khuôn mặt chị Thanh Dung – một phụ nữ trẻ lặn lội từ Thái Bình lên phòng khám sản phụ khoa X thể hiện rõ điều ấy. Vì muốn 2 vợ chồng có một đứa con, 3 năm qua chị đã không biết bao nhiêu lần khăn gói lên các bệnh viện và các phòng khám tư để khám và làm xét nghiệm. Thậm chí có những đợt điều trị kéo dài hàng tuần, chị phải “ăn nhờ ở đậu” nhà bà con tại Hà Nội. Vậy mà tin vui mãi lặn mất tăm, vẫn chưa đến với chị.

Dẫu vậy, tiếp xúc với chị vẫn thấy gương mặt chị Dung tràn đầy hy vọng về một ngày gần nhất sẽ có tin vui: “Có đi khám hiếm muộn và vô sinh, mới thấy hết mỗi người đúng là mỗi cảnh. Chị em nào đến đây cũng mang những nỗi lo lắng và khao khát có con khó nói thành lời. Nhiều trường hợp còn khó khăn hơn vợ chồng tôi gấp bội. Nhưng tất cả đều phải đang âm thầm cố gắng”.

Khám hiếm muộn – Không chỉ ngày 1 ngày 2

Mới đầu giờ chiều tại Phòng khám sản khoa Lan, một phụ nữ khoảng 27-28 tuổi với vẻ mặt trầm cảm, lo lắng đang ngồi chờ khám nhưng cũng cố nhấp nha nhấp nhổm. Chị nói rằng, cả ngày nay chị đã có mặt tại đây từ 4h30 sáng. Cứ ngỡ là người đến xếp hàng gần như đầu tiên và vào khám sớm nhất, nào ngờ khi lấy số khám bệnh, số của chị đã là 47.

Vì đây là lần đầu tiên chị đến phòng khám sản khoa nức tiếng này nên không nghĩ phòng khám lại đông đến thế. Suốt cả ngày hôm trước, chị cũng cẩn thận gọi điện đăng ký lấy số và xếp lịch khám trước. Nhưng lần gọi nào, máy của phòng khám cũng báo bận. Chị ngồi ôm máy điện thoại bàn và canh điện thoại suốt 1 tiếng đồng hồ mà không thể nào gọi điện đặt chỗ trước được. Thế là mới sáng tinh mơ, trời còn tối om, chị đã một mình vùng dậy chạy xe đến phòng khám. “Vì đã mang số 47 nên trường hợp của chị nghiễm nhiên bị gạt sang danh sách bệnh nhân khám buổi chiều. Nghe bác sĩ và nhân viên ở đây nói, buổi sáng các bác sĩ chuyên khoa chỉ kịp thăm khám và giải quyết cho khoảng 30 trường hợp thôi. Thôi đành mất ngày mất buổi mà được khám còn hơn là ra về và lại mệt mỏi gọi vì đặt lịch hẹn hay đến sớm lấy số”. – Chị nói.

Điều mà chị em sợ nhất khi đi khám hiếm muộn ở bệnh viện cũng như các phòng khám tư là khâu lấy số, phát số và kiểm tra rất lâu. Thường phải chờ đợi từ sáng sớm đến gần hết giờ chiều mới đến lượt siêu âm và gặp bác sĩ. (Ảnh: Phòng khám Medelab)

Tiếp lời ca thán của người phụ nữ khám hiếm muộn không biết tên kia, chị Lan Anh – người đang đưa người nhà đi khám ngồi cạnh đấy cũng có vẻ rất am hiểu “lẽ đương nhiên phải mất ngày mất buổi khi khám hiếm muộn”. Với Lan Anh, việc khám hiếm muộn con phải trải qua một quy trình rất chặt chẽ và nhiều giai đoạn. Ở phòng khám này, chị đưa người nhà đi rất nhiều lần rồi nên biết rõ như lòng bàn tay quy trình cụ thể của nó như sau:

- Vào bàn phát số khai hồ sơ.

- Đợi đọc tên rồi tự tay điền vào hồ sơ đó.

- Đóng tiền siêu âm, xét nghiệm tế bào tử cung

- Đợi kết quả siêu âm rồi vào gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho giấy yêu cầu chồng (xét nghiệm máu và tinh dịch đồ) vợ đến thử máu vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh. Ngày thứ 7 của chu kì kinh thì vợ đến chụp tử cung vói trứng xem có bị tắc hay có vấn đề gì không

- Gặp bác sĩ và nhận được sự tư vấn.

Sau khi đọc vanh vách các bước mà người đi khám hiếm muộn phải trải qua khi đăng ký khám ở phòng khám này, chị cũng nói rằng: Nói chung việc đi khám hiếm muộn chưa tốn kém cho lắm với các khâu kiểm tra. Chỉ khi nào bắt đầu điều trị thì tùy thuộc theo tình trạng của vợ chồng mà tốn nhiều hay ít. Nhưng cái mà người nhà của chị và cả chính chị sợ nhất khi đi khám hiếm muộn ở đây cũng như các nơi khác là khâu lấy số, phát số và kiểm tra rất lâu. Thường phải chờ đợi từ sáng đến gần hết giờ chiều mới đến được bước siêu âm rồi gặp bác sĩ. Thậm chí có hôm chỉ có đi xét nghiệm máu mà phải mất cả ngày luôn. Đến sáng hôm sau mới quay lại lấy kết quả của tinh dịch đồ. Còn những kiểm tra khác chắc chắn chưa thể làm luôn được vì phải đợi đến ngày. Nếu không làm từng bước một thì cũng không thể biết đến bao nhiêu ngày mới xong”.

Chị Lan Anh nói thêm, năm trước chị cũng có đưa cô em họ đi khám hiếm muộn ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Đê La Thành) nhưng ở đó còn đông hơn Viện Phụ sản Trung Ương (Tràng Thi) nữa. Theo chị thì vào các bệnh viện chuyên ngành yên tâm hơn các phòng khám tư vì ở đó phương tiện và máy móc luôn được trang bị tiên tiến hơn. Nhưng ngặt nỗi vào viện thì phải chờ đợi rất lâu. “Nói chung đã đi khám hiếm muộn thì dù ở xa hay gần cứ xác định phải rất mệt mỏi và kiên nhẫn, không thể trong ngày 1 ngày 2 được, mà thường phải kéo dài cả tuần, thậm chí cả tháng vì nó phụ thuộc vào yêu cầu xét nghiệm cho từng giai đoạn”.

Chạnh lòng khi “đơn thân độc mã”

Ngồi cạnh chị Lan Anh ở phòng khám sản khoa Lan, chị cũng chỉ tay sang một chị khoảng 32 tuổi với khuôn mặt buồn bã đang ngồi chếch hàng ghế kế bên và nói chuyện. Lần nào đưa người nhà đi khám, chị Lan Anh cũng gặp người phụ nữ này và lần nào cũng thấy chị ấy chỉ lủi thủi đi một mình rất tội nghiệp.

Nhiều chị em vẫn tủi thân và lo lắng đến rớt nước mắt khi kể lại những lần một mình đến chữa hiếm muộn vì chồng bất hợp tác, không chịu đến thăm khám cùng. (Ảnh minh hoạ)

Những người ở phòng khám này kể lại rằng vợ chồng chị lấy nhau cũng đã hơn 4 năm rồi mà chưa có tin vui. Ban đầu vợ chồng chị chưa dám đi chữa ở đâu cả, đa phần chỉ tự mua sách về đọc và áp dụng theo. Nhưng rồi 2 năm sau cưới, mọi chuyện không tiến triển hơn. Chị cũng đã đi chữa khắp nơi, khám đủ chốn và người nào cũng nói chị hoàn toàn bình thường. Về nhà, chị động viên chồng đến bệnh viện cùng chị mãi, anh mới gật đầu đi khám. Nghe nói, chồng chị đã chịu thử tinh dịch đồ kết quả rất khả quan. Nhưng không hiểu sao, hai anh chị vẫn chưa có tin vui. Chị vì sốt ruột chuyện con cái, muốn có con bế con bồng khi tuổi còn ưu sinh nên rất tích cực đi khám và uống thuốc các kiểu. Cứ mỗi đợt uống thuốc điều trị, dù cố bảo tinh thần phải thoải mái nhưng đến ngày ấy, chị vẫn cảm thấy cực kỳ căng thẳng và hồi hộp mong đợi… Nhưng từ 4 tháng nay, chồng chị vì quá chán nản và vô vọng hay sao nên đã không muốn đến đây thăm khám định kỳ mỗi đợt như trước nữa. Chẳng những nhất định không đi khám, chồng chị còn bảo: “Anh không có vấn đề gì hết, sao lại cứ bắt anh phải đi?”.

Trường hợp của chị Quế Chinh ở Trường Chinh, Hà Nội còn bế tắc hơn nữa. Chị kể rằng, vì ở Hà Nội nên chị thấy thuận lợi hơn các chị em ở xa trong việc đến phòng khám lấy số hay đặt lịch khám. Thế nhưng chị vẫn tủi thân và lo lắng đến rớt nước mắt khi kể lại những lần một mình phải đến đây chữa hiếm muộn. Trong khi con cái là nỗi lo chung của cả hai vợ chồng, vậy mà chồng chị nhất định không hợp tác với chị trong việc khám và chữa bệnh.

Qua người quen làm bác sĩ, chị thường theo khám một bác sĩ rất giỏi về chữa hiếm muộn của bệnh viện C. Nhưng động viên và giãi bày thế nào, chồng chị cũng nhất định không chịu đi khám với lý do: ngại đến bệnh viện lấy xét nghiệm tinh dịch đồ. Mặc dù đã được bác sĩ bày cách là có thể xin lọ chứa tinh trùng của bệnh viện để chồng chị lấy tinh trùng tại nhà rồi giao cho phòng xét nghiệm trong vòng 1 giờ sau xuất tinh. Thế nhưng chồng chị cũng không chịu luôn. Rồi bác sĩ lại bảo, canh giờ để quan hệ vợ chồng hoặc uống kháng sinh… anh đều từ chối thẳng thừng. Vì thế việc chữa vô sinh và hiếm muộn với chị như rơi vào ngõ cụt. Bản thân chị thì cứ loạn hết cả lên, hết đi canh trứng, kích trứng, rồi siêu âm noãn hay đến biện pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung)… vừa tốn nhiều tiền mà chẳng được gì.

Kỳ 2: Chữa hiếm muộn – Trăm đường tốn kém

(Theo TTVN)