Microsoft, thâu tóm, Nokia


Theo hãng tin Reuters, trong hơn hai thập kỷ qua, Microsoft đã chi hàng tỷ USD để mua hoặc đầu tư vào nhiều công ty, và xem đó là "con đường tắt" để có được các loại công nghệ hoặc để chen chân vào những thị trường mà hãng chưa có mặt. Tuy nhiên, rất ít thương vụ thế này mang lại kết quả tốt đẹp.

Những vụ đầu tư, thâu tóm sau đây của Microsoft có thể minh chứng cho nhận định "rất ít thương vụ mang lại kết quả tốt đẹp" cho Microsoft.

Dell: Microsoft đã đồng ý cho Michael Dell và hãng đầu tư Silver Lake vay 2 tỷ USD nhằm tài trợ cho việc chuyển đổi hãng sản xuất PC Dell thành công ty tư nhân vào đầu năm nay, nhưng thương vụ này đã bị các cổ đông phản đối kịch liệt, ngay cả khi tài sản của Dell đang suy giảm.

Yammer: Năm ngoái Microsoft đã trả 1,1 tỷ USD cho hãng kinh doanh mạng xã hội trực tuyến Yammer, nhưng kể từ đó sự việc này cũng rất ít được nhắc đến.

Nook: Năm ngoái, Microsoft đồng ý đầu tư 605 triệu USD vào mảng kinh doanh textbook và e-reader Nook đang gặp thua lỗ của Barnes & Noble. Tháng Sáu vừa qua, Barnes & Noble nói họ sẽ ngừng sản xuất Nook vì doanh số giảm 20%, kém cạnh tranh hơn so với mẫu Kindle dẫn đầu thị trường của Amazon.

Skype: Tháng 5/2011, Microsoft ký thoả thuận mua hãng chat video trực tuyến Skype với giá 8,5 tỷ USD, một mức giá được xem là quá cao vào thời điểm đó. Microsoft nói rằng nhu cầu của người dùng đang tăng cao và doanh thu Skype cũng tăng trong quý qua, nhưng năm nay hãng không công bố số lượng người dùng và cũng không tiết lộ các con số tài chính thực của dịch vụ này.

Yahoo: Sau khi đưa ra lời đề nghị mua lại công ty Internet Yahoo hồi năm 2008 với giá 47 tỷ USD và bị từ chối, Microsoft đã ký thoả thuận 10 năm cung cấp các dịch vụ tìm kiếm Internet cho Yahoo nhằm đền bù cho doanh thu quảng cáo sụt giảm. Tuy nhiên, gần đây thương vụ này cũng khiến cả hai công ty thất vọng.

Danger: Nhiều thông tin nói rằng năm 2008 Microsoft đã trả 500 triệu USD cho nhà thiết kế smartphone xuất sắc này, nhưng hầu hết các nhân viên đã ra đi và 2 năm sau đó Microsoft ra mẫu điện thoại thảm bại Kin dựa trên thiết kế của Danger. Kin được cho là sẽ thu hút thế hệ người dùng Facebook dưới 30 tuổi, nhưng cuối cùng chỉ sau 2 tháng, Kin đã phải rút khỏi thị trường vì doanh số quá èo uột.

Facebook: Năm 2007, Microsoft chi ra 240 triệu USD để mua về 1,6% cổ phần trong mạng xã hội Facebook. Hiện nay thương vụ này đã có giá trị nhiều hơn và mở đường cho mối hợp tác giữa Facebook và dịch vụ email Outlook, công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft.

aQuantive: 6,3 tỷ USD tiền mặt đã được Microsoft bỏ ra cho công ty quảng cáo trực tuyến aQuantive vào năm 2007 và tất cả hầu như không còn gì vào năm 2012. Vụ đầu tư này được thừa nhận là hoàn toàn vô giá trị.

Great Plains/Navision: vụ thâu tóm hai công ty này diễn ra lần lượt vào năm 2001 và 2002 đã đặt nền móng cho mảng kinh doanh phần mềm doanh nghiệp của Microsoft và chúng được xem là một thành công của hãng.

Bungie: Microsoft đã trả mấy chục triệu USD cho studio game Bungie, hãng sáng tạo ra trò chơi nổi tiếng Halo vào năm 2000. Bungie thực sự đã tách ra khỏi công ty nhưng Microsoft vẫn thu lợi từ Halo.

AT&T: năm 1999, Microsoft đã mua 5 tỷ USD cổ phần trong công ty điện thoại và cáp AT&T với mục đích đưa phần mềm Windows vào các thiết bị set-top box, nhưng họ vẫn chưa thực hiện được mong muốn này vào thị trường băng rộng đang nổi.

Apple: Microsoft đã đầu tư 150 triệu USD vào công ty Apple vốn đang gặp nhiều khó khăn vào năm 1997, và khẳng định sẽ sản xuất phần mềm cho máy Mac lúc đó vẫn chưa có tên tuổi gì. Thương vụ chấm dứt những tranh cãi bản quyền kéo dài giữa hai công ty nhưng Apple đã được cứu vớt từ đó, đồng thời trở thành đối thủ cạnh tranh đang ăn mòn lợi nhuận, tài chính của Microsoft.

Theo Vnreview