UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đề nghị xem xét, hỗ trợ và xác nhận đề nghị của Tập đoàn Microsoft và Nokia Việt Nam trong việc chuyển giao dây chuyển công nghệ từ Trung Quốc và Mehico sang hoạt động chủ lực tại Việt Nam.
Ngày 18.8, UBND tỉnh Bắc Ninh đã gửi công văn số 1985 đến Bộ KH-CHN đề nghị xem xét việc chuyển giao dây chuyển công nghệ sản xuất thiết bị điện thoại di động của Tập đoàn Microsoft.
Theo đó, tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngày 25.4.2014 Bộ phận thiết bị và Dịch vụ của Tập đoàn Nokia (bao gồm cả Nokia Việt Nam) chính thức thuộc về Tập đoàn Microsoft.
Microsoft sẽ tiến hành đóng cửa toàn bộ hoặc một phần các nhà máy sản xuất tại Komarom (Hungary), Bắc Kinh, Đông Quảng (Trung Quốc) và Reynosa (Mehico) |
Với sự thay đổi chiến lược này, nhà máy Nokia tại Bắc Ninh sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc sản xuất thiết bị điện thoại di động của Tập đoàn Microsoft. Khoảng 39 dây chuyển để sản xuất điện thoại di động thông minh sẽ có mặt tại Việt Nam và Nokia Việt Nam sẽ tuyển dụng thêm hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng như các tỉnh lân cận.
UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc mở rộng hoạt động của Nokia sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế cũng như công nghệ của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Nên để Nokia Việt Nam thực hiện đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất điện thoại từ các nhà máy trên về Việt Nam theo đúng các quy định hiện hành, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị Bộ KH-CN xem xét, hỗ trợ và xác nhận đề nghị của Nokia Việt Nam.
Theo đánh giá của Nokia Việt Nam, thay đổi này là cơ hội cho nhà máy trong lĩnh vực sản xuất thiết bị di động. Nhà máy tại Bắc Ninh sẽ bắt đầu sản xuất dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Windows, với các sản phẩm phẩm Lumia 630 và Lumia 530 vào cuối tháng 8 năm nay. Các sản phẩm khác của Lumia cũng được xuất xưởng vào cuối năm nay. Dự kiến đến cuối tháng 10, gần như toàn bộ khâu sản xuất thiết bị điện thoại di động sẽ được tập trung tại Bắc Ninh.
Nokia Việt Nam dự kiến sẽ thay đổi đáng kể quy mô đầu tư cũng như sản lượng, giá trị xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư dự kiến năm 2014 là 220 triệu USD, tăng so với mức 200 triệu USD đã tính toán trong báo cáo khả thi. Sản lượng đạt 76,5 triệu sản phẩm, giá trị xuất khẩu gần 1,9 tỷ USD.
Nokia Việt Nam khẳng định, các dây chuyền sản xuất này được chuyển giao cho nhà máy Việt Nam theo chiến lược kinh doanh của Tập đoàn Microsoft, hoàn toàn không phải được đưa vào Việt Nam do đã hết thời hạn sử dụng tại các quốc gia khác. Do vậy việc nhà máy Việt Nam nhận dây chuyền sản xuất từ nước ngoài này sẽ không có bất kì tác hại xấu nào đến môi trường.
Nokia Việt Nam cũng cho rằng, đây là cơ hội lớn cho Microsoft cũng như Việt Nam. Cùng với định hướng kinh doanh mới, Nokia dự kiến sẽ gia tăng ít nhất 50% so với lượng lao động hiện nay. Số lượng kĩ sư chuyên môn dự kiến cũng sẽ tăng gấp 2 lần cùng với sự gia tăng đáng kể đối với số lượng kĩ thuật viên và sinh viên mới ra trường.
Theo MTG