Theo thông tin của ICTnews, từ ngày 1/4/2016, mọi sản phẩm của Microsoft được bày bán tại Micorosoft Store, địa chỉ 63 Lý Thường Kiệt, Hà Nội đã được chuyển về bán tại cửa hàng FPT Shop với lý do để tăng cường hiệu quả hoạt động.

Việc Microsoft đóng các cửa hàng bán lẻ không phải lần đầu tiên. Trước đó, vào khoảng tháng 4/2015, Đài truyền hình quốc gia Phần Lan Yle đưa tin cửa hàng duy nhất của Microsoft tại nước này dừng hoạt động. Đây từng là cửa hàng bán lẻ chính của Nokia nhưng sau khi bị Microsoft thôn tính, được đổi tên thành Microsoft Store vào tháng 11/2014. Cửa hàng phục vụ khách hàng có nhu cầu tìm hiểu và mua phần mềm Microsoft, máy tính, các thiết bị điện tử khác cũng như điện thoại Nokia. Như vậy, nó chỉ hoạt động dưới tên Microsoft Store trong chưa đầy 6 tháng. Theo ông Tomi Kuuppelomaki, phụ trách truyền thông Microsoft Phần Lan, công ty tập trung bán thiết bị trực tuyến và qua các nhà bán lẻ, nhà mạng khác.

Đầu năm 2016, trang Winbeta đưa tin Microsoft bí mật đóng vài cửa hàng tại Brazil. Ngay sau đó, hãng phần mềm lên tiếng xác nhận thông tin này như một phần nằm trong “quyết định chiến lược”. Được biết, các cửa hàng chỉ mới mở vào tháng 4/2015 theo sau thương vụ mua Nokia năm 2014. Kế hoạch ban đầu là tăng gấp 3 số lượng Microsoft Store tại đây. Trong số 47 cửa hàng tại 13 bang của Brazil, sẽ có 27 bị đóng cửa. Dù vậy, công ty nhấn mạnh hoạt động trực tuyến vẫn không thay đổi. Từ năm 2015, Microsoft đánh giá lại hoạt động kinh doanh tại quốc gia châu Mỹ và đóng nhà máy tại khu công nghiệp thuộc bang Amazonas vào tháng 10/2015, làm ảnh hưởng đến 1.200 lao động.

Microsoft Store là chuỗi cửa hàng bán lẻ bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2009 với diện tích đa dạng. Các cửa hàng được trang hoàng ấm áp, nhiều nhân viên, nhiều thiết bị như điện thoại, máy tính nhưng lại có rất ít khách hàng. Rất khó để biết chính xác tình hình kinh doanh của các cửa hàng vì Microsoft không bình luận gì về doanh số lẫn lượt khách ghé thăm. Theo Re/code, số nhân viên thậm chí còn đông hơn cả khách hàng. Trang này so sánh thậm chí cả một quầy hàng Amazon nhỏ tại San Francisco (Mỹ) còn có nhiều khách hơn các cửa hàng lớn của Microsoft.

Ý tưởng về Microsoft Store không tránh khỏi bị so sánh với Apple Store và không thể phủ nhận có những điểm tương đồng về cách bài trí, nội thất hay Answer Desk, phiên bản khác của “Apple Store Genius Bar”. Chuỗi bán lẻ của Apple được mở từ năm 2001 và cho đến nay là một trong những chuỗi bán lẻ thành công nhất thế giới. Tính riêng năm 2015, doanh thu từ Apple Store đạt 233,7 tỷ USD.

Muốn biết sự khác biệt giữa Apple Store và Microsoft Store, bạn có thể xem những tấm ảnh so sánh hai cửa hàng tại cùng một địa điểm là Portland, Oregon (Mỹ).

Cửa hàng là nơi để bán hàng, song theo Giám đốc bán lẻ Microsoft Kelly Soligon, đây cũng là nơi để trình diễn mọi nỗ lực của hãng. Dù thế nào đi nữa, họ cũng mong muốn nỗ lực bán lẻ được đền đáp. Bà Soligon cho biết Microsoft sẽ mang các công nghệ mới đến Microsoft Store từ game Xbox mới ra mắt đến thiết bị thực tế ảo như HTC Vive và Hololens.