- Bộ Công Thương dự kiến cần khoảng 30.000 tỷ để "mồi" cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Nhưng không ít người vẫn đang nghi ngại về lý thuyết “có bột mới gột nên hồ” này.
Tay không khó “bắt giặc”
Ba năm nay, không khí yên bình của mảnh đất thuần nông ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã bị phá vỡ khi xuất hiện thêm những nhà xưởng công nghiệp ồn ào.
Một trong những nhân tố mới gây ồn ào đó là khu nhà xưởng của Công ty phát triển cơ khí chính xác Thành Trung, tọa lạc giữa thôn Lãn Tranh.
Công ty chỉ rộng 500m2, thiết kế đơn sơ, ám mùi hôi, khét của dầu mỡ. 15 chiếc máy CNC tại đây đều là máy móc cũ của Nhật Bản, Đài Loan, Anh với trị giá trung bình chỉ 800 triệu đồng/máy. Ở một góc xưởng, 2 công nhân nữ luôn căng mắt để soi lỗi một cách thủ công đối với từng sản phẩm vừa ra lò.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, Giám đốc Dương Quang Trung nói: “Doanh thu công ty năm ngoái đã đạt 8 tỷ đồng, năm nay, cố gắng 13 tỷ đồng. Hiện công ty gia công linh kiện xe máy cho SYM, Honda, Yamaha. Mục tiêu từ năm 2015-2018, chúng tôi sẽ sản xuất linh kiện ôtô. Ngay đầu tháng 10, chúng tôi sẽ sản xuất thử trục đối trọng của bộ phận tay lái ôtô”.
Hoạt động sản xuất ở nhiều DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn chưa hiện đại (ảnh: Phạm Huyền) |
Vị chuyên viên của Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương dẫn đoàn chuyên gia Hàn Quốc đến thăm nhà xưởng của công ty Thành Trung, nhận xét: Hình ảnh doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hầu hết là thế: siêu nhỏ và còn khá lạc hậu. Quy mô nhỏ như công ty Thành Trung chiếm đến 80-90%.
Số nhà máy khang trang, hiện đại, dây chuyền tự động hoá cao ở Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ chỉ đếm trên đầu ngón tay, như công ty điện tử 4B ở Hưng Yên - nhà cung cấp lớp 1 cho LG; công ty nhựa Hà Nội cung cấp linh kiện lớp 1 cho Honda... Nhưng nếu so với nhà máy cơ khí Doosan hay Samsung của Hàn Quốc thì những nhân tố nổi bật trên của Việt Nam còn thua một trời, một vực.
Theo các chuyên gia của Hàn Quốc, để sản xuất linh kiện ô tô, công ty Thành Trung phải nâng cấp đầu tư rất lớn mới đạt được tiêu chuẩn của các hãng.
Chẳng hạn, một chiếc máy CNC mới cũng có giá khoảng 5 tỷ đồng, có những máy ở các công đoạn khuôn, dập, kiểm tra... cũng trị giá tới 10-20 tỷ, gấp 2-3 lần doanh thu hiện nay của công ty. Chưa kể, Thành Trung còn phải hiện đại hoá các khâu như kiểm tra, thử sản phẩm... , chứ không thể kiểm lỗi bằng mắt, bằng tay như hiện nay.
Đó cũng là lý do mà các nhà soạn thảo của Bộ Công Thương đề nghị lập Quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ, tổng vốn cần tới 30.000 tỷ đồng để "mồi" cho những doanh nghiệp này lớn lên.
Chấm dứt xin - cho, Quỹ mới hiệu quả
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, cho biết: "Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn 2030, số lượng vốn đầu tư cần là 170.000 tỷ đồng. Quỹ chỉ cần khoảng 20% nhu cầu này, tương đương 30.000 tỷ đồng. Nhưng trước mắt chỉ cần khoảng 2.000 tỷ vốn điều lệ nhằm hình thành quỹ, sau đó, kêu gọi ODA và các nguồn tài trợ".
Việt Nam kỳ vọng phát triển 100-200 doanh nghiệp lớn mạnh, trở thành các nhà cung cấp lớp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia |
Ông Hoài nhấn mạnh: "Doanh nghiệp Việt Nam rất yếu, đặc biệt là về vốn và công nghệ, nhưng các ngân hàng thương mại không mặn mà vì họ không có tài sản thế chấp... Việc mở quỹ chính là để giúp các doanh nghiệp có thể vay vốn dễ dàng hơn".
"Nếu như trong số những doanh nghiệp được vay vốn, chúng ta hình thành lên được 100-200 doanh nghiệp lớn mạnh, trở thành các nhà cung cấp lớp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia thì đã thành công một bước rồi. Từ đó, dần dần thúc đẩy các DN này thành trụ cột chính để phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia", ông Hoài nói.
Ông làm phép tính: "Riêng ngành đường sắt đô thị, Hà Nội đã đầu tư 4 tuyến 120.000 tỷ đồng, TP.HCM 80.000 tỷ đồng. Nếu chỉ cần trích một phần nhỏ trong số này, đầu tư 3.000 tỷ/năm, trong thời gian 10 năm (tổng cộng chỉ hết 30.000 tỷ đồng) để bù cấp lãi suất cho các doanh nghiệp thì bức tranh công nghiệp Việt Nam sẽ khác. Ngân sách Nhà nước cũng thu hồi lại được ngay từ chính thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp".
Trước thông tin trên, giám đốc Dương Quanh Trung tỏ ra mừng vui khi nói: "Được thế thì tốt quá!".
"Vay vốn ngân hàng được là vô cùng khó. Hiện, chúng tôi đã phải vay lãi suất 16,5%/năm. Hầu hết, công ty đều phải vay vốn cá nhân với lãi suất 12-13%. Nhiều ngân hàng đã đến công ty trực tiếp làm việc, nhưng đều nói không đủ điều kiện để vay. Ví dụ vay 1 tỷ, họ đòi mảnh đất thế chấp 2 tỷ thì tôi không có", ông Trung kể.
Đơn cử như cơ hội từ Samsung tại Việt Nam, sau cuộc làm việc với các DN Việt vừa qua, có 12 doanh nghiệp có đủ năng lực bước đầu làm cho Samsung. Nhưng muốn làm được, các doanh nghiệp này cũng phải đầu tư thêm 12-15 triệu USD nữa.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, lập quỹ là nhu cầu thiết thực, nhưng quỹ cần có cơ chế minh bạch, công khai, chấm dứt ngay trò xin - cho.
"Số DN Việt Nam làm khoa học công nghệ rất ít, Bộ KHCN bói mới được có 80 doanh nghiệp... Nhiều quỹ hỗ trợ của Nhà nước đều không hiệu quả, có tiêu cực. Vì vậy, muốn phát triển ngành này, đầu tiên sẽ phải thay đổi ngay hệ thống động lực. Nếu không thay đổi điều đó thì chúng ta khó hi vọng có bước chuyển biến về công nghiệp hỗ trợ", TS. Doanh nói.
Phạm Huyền