Trồng hơn 1,6ha mít Thái tại xã Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), anh Nguyễn Văn Sang cho biết, giá mít bất ngờ tăng vọt lên 66.000 đồng/kg rồi lại hạ xuống 55.000 đồng/kg nhưng nhà anh không có mít bán.
Theo anh Sang, đợt tháng 5 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên mít đến kỳ thu hoạch không xuất được, người dân phải tự hái mang ra vựa bán với giá chỉ chừng 8.000 đồng/kg đối với loại 1 và 4.000 đồng/kg loại 3.
“Giá rẻ quá nên nhiều nhà cắt bỏ trái non không nuôi trái nữa, vì vậy, giờ xuất khẩu trở lại, thương lái tìm mua thì mít trở nên khan hiếm, không có mít. Như nhà tôi trước vào vụ trái cây, ngày cắt hơn 1 tấn là chuyện bình thường mà giờ hơn 1.000 cây mít hái được có 6 trái”, anh Sang nói.
Giá mít Thái đột ngột tăng cao do hoạt động xuất khẩu dần phục hồi nhưng nguồn hàng lại khan hiếm. |
Vì sản lượng mít Thái còn khá ít trong khi nhu cầu thu mua xuất khẩu cao nên giá liên tục tăng. Một số thương lái lùng mua mít cả ngày nhưng nhiều nhất cũng chỉ được vài chục quả.
Anh Trần Quang Vinh, trú tại xã Long Trung (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, thời điểm này mít Thái miền Tây chưa vào chính vụ nên sản lượng ít, hơn nữa vào đợt hạn mặn, người dân đã hái bỏ trái để giữ cây nên mỗi ngày anh chỉ mua được vài chục kg.
“Nếu vào chính vụ thì mít Thái thu mua xuất khẩu chỉ chừng 30.000 đồng/kg nhưng hiện tại giá lên 60.000 đồng/kg loại 1 đối với trái trên 9kg. Một trái mít hơn 10kg người dân thu về nửa triệu đồng nhưng năng suất lại giảm nên doanh thu cũng không nhiều. Giá cao thật nhưng người dân không có mít bán”, anh Vinh nói.
Mít Thái thường phù hợp với vùng đất có độ cao từ 400 mét đến 1.200 mét so với mực nước biển. |
Gần đây, diện tích trồng mít Thái ở vùng ĐBSCL tăng đến vài chục nghìn héc-ta, nhiều nhất là các tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Hậu Giang, Bến Tre… Riêng khu vực miền Đông Nam bộ, nhất là Bình Phước, Bình Dương diện tích trồng mít cũng tăng đáng kể.
Mặc dù, mít là loại cây có nhiều ưu điểm như: Dễ trồng, năng suất cao, chi phí thấp, thời gian thu hoạch nhanh nhưng đầu ra, nhất là thị trường xuất khẩu chưa mở rộng. Vì vậy, nếu bà con mở rộng diện tích trồng sẽ tiềm ẩn rủi ro cao bởi lúc khan hàng, giá mít lên cao nhưng vào mùa thu hoạch ồ ạt, giá mít xuống thấp chỉ vài nghìn đồng/kg khiến thu nhập của người dân không ổn định.
Là loại mít dễ trồng, cho năng suất cao, chi phí thấp nhưng đầu ra chưa ổn định. |
Trước đó, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo, mít Thái hiện đang phát triển mạnh tại ĐBSCL vì đây là loại trái cây thuận lợi xuất khẩu. Tuy nhiên, các địa phương cần cân nhắc kỹ trước khi mở rộng diện tích vì cây mít sống ở vùng có độ cao từ 400 mét đến 1.200 mét so với mực nước biển, trong khi ĐBSCL không có lợi thế về điều này.
Vì thế, bà con cần thiết kế lại vườn cho phù hợp với sự tăng trưởng của cây ít nhất là trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, mít là loại cây trồng mẫn cảm nước mặn nên đối với một số địa phương ảnh hưởng xâm nhập mặn, nhà vườn cần cân nhắc kỹ khi trồng mít để đảm bảo nguồn thu nhập.
Ngoài việc liên kết sản xuất, đẩy mạnh hoạt động chế biến trái mít theo hướng xuất khẩu, chính quyền và ngành chức năng các địa phương cần chú trọng khâu quy hoạch vùng trồng. Trong đó, cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhà vườn chọn trồng các loại cây ăn trái có năng suất, chất lượng và đảm bảo yếu tố cung cầu của thị trường; có giá trị xuất khẩu cao.
(Theo Dân Việt)