Trong vài ba năm trở lại đây, mít Thái là loại cây trồng có tốc độ phát triển rất nhanh về diện tích sản xuất ở ĐBSCL, nhất là ở tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Bởi, loại cây ăn trái này dễ trồng, giá bán hấp dẫn, mang lại lợi nhuận gấp chục lần so với sản xuất lúa.
Số liệu báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy tổng diện tích mít (chủ yếu là mít Thái) ở các tỉnh phía Nam trong giai đoạn nuôi trái và thu hoạch đến tháng 4-2021 khoảng hơn 39.000 héc ta.
Giá bán mít ở ĐBSCL bị tác động nhiều từ thương lái Trung Quốc. Ảnh minh họa: Trung Chánh |
Tuy chỉ mới phát triển trong những năm gần đây, nhưng loại cây trồng này đã vượt qua diện tích của nhiều loại cây ăn trái đã phát triển từ trước đó nhiều năm như thanh long (hơn 25.300 héc ta), chôm chôm (hơn 19.500 héc ta), nhãn (30.200 héc ta); thậm chí vượt cả diện tích của cây sầu riêng (hơn 36.100 héc ta)…
Lý giải về tốc độ phát triển rất nhanh của cây mít, những người trong cuộc cho rằng là do lợi nhuận của loại cây trồng này khá cao, một công (1.000 m2) mít có thể cho doanh thu 100-150 triệu đồng mỗi năm, cao gấp khoảng 10-15 lần doanh thu so với sản xuất lúa trên cùng diện tích, thậm chí vào những lúc cao điểm, mỗi trái mít (loại I) có thể bán được với giá 500.000 đến 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của vài tháng trước, thậm chí một hai năm trước, chứ còn bây giờ, cả người trồng mít và những nhà thu mua đang lao đao vì những “chiêu trò” do thương lái Trung Quốc bày ra.
Ông Nguyễn Bá Tùng, ngụ xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là chủ một cơ sở sản xuất và xuất khẩu trái cây có tiếng ở địa phương này, nói: “Bây giờ trồng mít không có ăn đâu”. Thậm chí, ông đã quyết định đốn bỏ trên dưới 1.000 gốc mít đang trong giai đoạn chuẩn bị cho trái để chuyển sang trồng ổi Đài Loan xuất khẩu trực tiếp đi thị trường Trung Đông.
Ruộng trồng ổi Đài Loan sau khi khoảng 1.000 gốc mít được đốn bỏ. Ảnh: Trung Chánh |
Theo lý giải của ông Tùng, thương lái Trung Quốc hiện đứng sau điều hành các vựa thu mua lớn, họ thuê cả thông dịch viên, biết rất rõ thời điểm nào có lứa mít thu hoạch rộ. “Vì vậy, họ đưa ra các chiêu trò gây khó dễ để ép giá mình dữ lắm”, ông Tùng nói và cho rằng phía trong nước không làm gì được vì bị phụ thuộc tiêu thụ ở Trung Quốc.
Cụ thể, trước đây, mít Thái loại I là trái có trọng lượng từ 9 kg trở lên, không bị méo, vỏ ngoài không bị đen là đạt yêu cầu; tương tự loại II có trọng lượng từ 7 đến dưới 9 kg/trái; loại III là từ 5 đến dưới 7 kg/trái. Trong khi đó, loại phía dưới nữa được xếp vào loại mít kem, trừ các trái chín hoặc bị sâu đục sẽ được xếp vào loại hàng chợ và tương ứng mỗi loại mít sẽ có một mức giá thu mua khác nhau, tùy thời điểm.
Đầu trái mít được dạt để xác định mít có bị đen hay không và hiện tại nếu dạt đầu có 3 hột (3 múi) sẽ bị đẩy xuống mít kem. Ảnh: Trung Chánh |
Tuy nhiên, theo một chủ vựa thu gom mít ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, thời gian gần đây, mít loại I ngoài đáp ứng những yêu cầu như nêu ở trên, thương lái Trung Quốc còn yêu cầu khi dạt đầu trái mít, số lượng hột (múi mít) lộ ra phải từ 2 trở xuống, nếu từ 3 hột (3 múi) sẽ bị đẩy xuống hạng, gọi là mít kem. “Lý do họ đưa ra là nhiều múi như vậy đồng nghĩa cơm của múi mít mỏng, không đạt yêu cầu”, người này nói và cho rằng thực ra đó là cách để thương lái ép giá, nhưng nhà vựa và nhà nông không làm gì được.
Nhiều nhà vườn cho biết, với chiêu như trên, hiện một tấn mít được thu hoạch thì có đến 80-90% là mít kem và mít chợ, chỉ có khoảng 10-20% là mít nhất, nhì. “Quy cách họ đưa ra để thu mua là như vậy thì chúng tôi là lái mít trực tiếp mua tại ruộng của nhà vườn, bắt buộc cũng phải thực hiện như vậy”, ông Trần Văn Cường, một lái thu mua mít ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nói.
Thậm chí, theo ông Cường, nhiều lái mua mít như ông cũng chịu cảnh lỗ “sặc gạch”. “Bởi, khi mình dạt đầu trái mít, thấy có một hột (một múi) hiện ra, trong khi trọng lượng đạt, hình dạng đẹp thì đương nhiên phải mua là mít loại I. Tuy nhiên, khi ra đến vựa, họ dạt thêm một dao nữa, nếu hiện ra 3 hột (3 múi), thì coi như là mít kem, phải chịu lỗ”, ông Cường giải thích.
Theo một chủ vựa, do thương lái Trung Quốc vào trực tiếp, đứng sau điều hành và biết rất rõ thời điểm nào mít thu hoạch rộ, thời điểm nào khan hàng, cho nên họ liên tục ép giá khi nguồn cung tăng.
Chẳng hạn, hiện tại, mít loại I có giá chỉ còn 20.000 đồng/kg; loại II 13.000 đồng/kg; loại III 10.000 đồng/kg; mít kem 7.000 đồng/kg và mít chợ 2.000 đồng/kg. Đây là giá mít tại vựa, còn tại ruộng của nhà vườn thấp hơn khoảng 2.000 đồng/kg (mít chợ mua 1.000 đồng/kg).
Chính việc bị ép giá, ép quy cách tuyển chọn khi phân loại mít, cho nên nhiều nhà vườn lẫn thương lái trực tiếp mua tại vườn phải chịu cảnh lao đao vì giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Đây không phải là câu chuyện mới trong ngành cây ăn trái ở ĐBSCL, trước đó, với trái thanh long, sau khi thương lái Trung Quốc vào đứng sau các vựa và trực tiếp điều hành, đã khiến thị trường tiêu thụ trái thanh long bị “méo mó”, nông dân rơi vào cảnh lỗ lã, trong khi các biện pháp can thiệp từ các nhà quản lý vẫn chưa quyết liệt.
(Theo KTSG Online)