Trong giai đoạn hiện nay, chuỗi cung ứng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao vị thế của các doanh nghiệp, của ngành trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với thế mạnh vượt trội của mình, thương mại điện tử sẽ đảm bảo thông tin trong chuỗi cung ứng được chính xác, đầy đủ và kịp thời. Việc ứng dụng thương mại điện tử vào chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho Ngành phát triển bền vững, hiệu quả để Dệt may Việt Nam trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may 2024 tại TPHCM, ông Lê Hoàng Tài - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - đã nhận định thẳng thắn rằng sức mua từ các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu đang và sẽ còn ở mức thấp. Để tồn tại, các doanh nghiệp buộc phải tìm thêm khách hàng mới và kênh bán mới.
Với nhiều doanh nghiệp dệt may quy mô vừa và nhỏ vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, làn sóng ảnh hưởng này tồn tại dai dẳng như một "hậu dư chấn Covid-19". Để bứt mình khỏi "điểm chững" của ngành và hưởng ứng cuộc vận động chuyển đổi số của Chính phủ những năm qua, nhiều doanh nghiệp buộc phải tìm cách mở rộng hoạt động lên sàn thương mại điện tử.
Mặc dù dệt may là ngành phát triển nhanh, có kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Bangladesh. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn còn nhiều điểm khó như thương hiệu còn ít; chủ yếu gia công. Bởi vậy, để thương hiệu dệt may Việt Nam đến với người tiêu dùng thế giới vẫn còn nhiều việc để làm như thay đổi phương thức xuất khẩu mà một trong những phương thức rất mới là ứng dụng thương mại điện tử.
Đứng trước những cơ hội to lớn tạo ra từ thương mại điện tử mang lại, tại Hội nghị thương mại điện Xuyên biên giới với chủ để: “Tinh hoa hàng Việt cất cánh toàn cầu,” do Công ty Amazon Global Selling Việt Nam phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 22/5, tại Hà Nội, ông Trương Văn Cẩm nêu ý kiến, thông qua Amazon, sản phẩm dệt may sẽ đến với các khách hàng trực tiếp và qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới này cũng khẳng định vị trí của sản phẩm dệt may Việt Nam bằng giá cả, cạnh tranh, chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh, do đó hiệp hội mong muốn Amazon giúp doanh nghiệp thấy được những điểm mạnh, điểm yếu, công đoạn cần phải thay đổi nhằm từng bước nâng cao trong chuỗi giá trị, từ đó đạt nhiều thành công hơn qua thương mại điện tử.
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và Amazon Global Selling đã giúp đào tạo nâng cao năng lực, tìm hiểu nghiên cứu kỹ thị hiếu của người dân tại thị trường đó; cung cấp sản phẩm phù hợp với thị trường.
Cùng đó, qua thương mại điện tử đến với khách hàng trực tiếp và khẳng định vi trí dệt may Việt Nam bằng chất lượng, giá trị và giá cả tốt nhất. Bởi vậy, với ước mơ ấp ủ việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt trên thương mại điện tử trên sân chơi toàn cầu để tiếp cận tốt hơn, nhanh hơn với khách hàng thế giới được kỳ vọng sớm thực hiện.
Thành Nam