Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) có những điều khoản tác động đến  công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Trong đó, mở đường cho học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn.

Hiện nay, một số trường trung cấp, cao đẳng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang thí điểm tuyển sinh và đào tạo học sinh hoàn thành bậc THCS  - thường được gọi là Mô hình 9+ . Đây được xem như một giải pháp thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu "Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng" mà Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra.

Đối với học sinh, Mô hình 9+ là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Thay vì mất thêm 3 năm theo học PTTH, ngay từ khi học xong lớp 9, học sinh học hệ trung cấp, cao đẳng và sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này.

Nền tảng giáo dục hướng nghiệp

Những lợi ích của phân luồng sớm mà một mô hình như mô hình 9+ có thể đem lại là rõ ràng và đã được nhiều nghiên cứu, bài báo chỉ ra.

Mặt khác, để nó thành công thì không thể thiếu một hệ thống đồng bộ các yếu tố quan trọng như: sự thông suốt về chính sách cũng như việc phối kết hợp giữa các bộ ngành; sự cải tiến điều kiện vật chất, giảng dạy, trình độ giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường dạy nghề; sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, v.v… Trong khuôn khổ giới hạn, bài viết này chỉ xin đề cập đến vai trò của công tác hướng nghiệp.

Trực tuyến: Học nghề Chương trình 9+ thế nào?

Trực tuyến: Học nghề Chương trình 9+ thế nào?

Nhằm giúp phụ huynh, học sinh có thêm các thông tin về học nghề Chương trình 9+, vào lúc 14h, thứ 5, ngày 14/5/2020, Báo VietNamNet phối hợp với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: "Học nghề Chương trình 9+ thế nào?". Mời độc giả cùng theo dõi và gửi trao đổi qua email: bangiaoduc@vietnamnet.vn

 

Chúng ta thường nhắc đến những ví dụ điển hình như hệ thống đào tạo kép của Đức hay mô hình Kosen của Nhật Bản. Tuy nhiên việc triển khai một mô hình tương đồng như vậy để có thể đạt đến hiệu quả tại Việt Nam chắc chắn chỉ có thể tạo dựng trên nền tảng một xã hội coi học nghề là một định hướng, lựa chọn phổ biến, hấp dẫn.

Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, ngay cả đối với học sinh tốt nghiệp THPT, để thuyết phục các em lựa chọn học nghề cũng đã không hề dễ dàng. Một lượng lớn đổ xô thi vào đại học, một số không ít lại lựa chọn gia nhập thị trường lao động khi chưa hề được trang bị, đào tạo. “Thừa thầy thiếu thợ” hay lao động chưa qua đào tạo đều là hai mặt của sự lãng phí nguồn nhân lực.

Hãy nhìn vào vài con số liên quan đến một trong hai ví dụ vừa đề cập. Tại Đức, theo số liệu năm 2018 của Viện nghiên cứu đào tạo nghề liên bang (BIBB) thì khoảng 52% dân số ở độ tuổi 16 - 24 tham gia hệ thống đào tạo nghề kép. Quy mô hệ thống đào tạo kép khoảng 1,32 triệu người/năm với độ tuổi trung bình của người tham gia học là 19,4 tuổi.

Còn ở nước ta, hàng năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS và học tiếp lên THPT vẫn là luồng chủ yếu mà các em hướng tới. Phần lớn các tỉnh/thành đều có tỷ lệ học sinh học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80% (Hà Nội 75%, TP HCM 77%...). Ngược lại, việc chọn luồng giáo dục nghề nghiệp chỉ là giải pháp của rất ít học sinh.

Trong bối cảnh đó, việc phân luồng từ cấp THCS nói chung, việc tạo lập chỗ đứng vững chắc cho một mô hình như Mô hình 9+ nói riêng chắc chắn phải gắn với điều kiện tiên quyết là hiệu quả của giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường.

{keywords}
Giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường cần phát huy vai trò trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai của học sinh. Ảnh minh họa

Kỳ vọng mục tiêu phân luồng hiệu quả

Hiểu một cách đơn giản, giáo dục hướng nghiệp tại trường học phải là một quá trình giúp các em học sinh hiểu rõ được hai vế. Trước tiên là về bản thân, những năng lực, khuynh hướng sở trường, hoàn cảnh gia đình… để lựa chọn chuyên môn nghề nghiệp tương lai. Thứ 2, nó phải giúp học sinh nắm được khái quát thông tin về thị trường lao động (TTLĐ) và việc làm, về thế giới nghề nghiệp và các yêu cầu của nghề đối với người lao động, về các cơ sở sử dụng lao động; nắm được khái quát hệ thống thông tin về mạng lưới các cơ sở giáo dục sau THCS để học sinh định hướng lựa chọn luồng.

Giáo dục hướng nghiệp trong trường học vì thế được kỳ vọng trở thành phương tiện để trao quyền cho học sinh đưa ra các quyết định có cân nhắc về việc học tập, công việc, mục tiêu sự nghiệp. Tuy nhiên, thực tế đến nay công tác này vẫn được đánh giá là còn thiếu, yếu và nhiều bất cập. Đây có thể sẽ trở thành một nguyên nhân lớn kìm hãm những nỗ lực phân luồng sớm như Mô hình 9+.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Quân cho hay: Từ 2018 tới nay kết quả phân luồng đạt kết quả tốt hơn. Hàng loạt giải pháp mới được triển khai như Đề án 522 về phân luồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo dành cho học sinh hết lớp 9 (các chương trình 9+), cho phép học sinh học nghề kết hợp học văn hóa, học sinh hết lớp 9 được học thẳng lên cao đẳng với nhiều ngành nghề, giải quyết tốt việc làm sau đào tạo...

Mùa tuyển sinh 2019 kết quả phân luồng tại nhiều địa phương đạt gấp đôi so với 2018. Việc các trường nghề được dạy văn hóa THPT và giải quyết tốt khâu liên thông gắn với học tập suốt đời, luật hóa công tác phân luồng...  sẽ tạo hành lang cho phép kỳ vọng đạt mục tiêu phân luồng 30% vào 2021.

Minh Vy