Năm 1997, tại thôn Thái Hòa, xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bình Định chính thức được thành lập, hoạt động với quy mô toàn xã. 

Năm 2016, thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã, Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bình Định đổi tên thành Hợp tác xã Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định, tổng số thành viên là 3.145 hộ gia đình, chiếm 100% số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. 

anh 29.jpg
Hợp tác xã xác định liên kết sản xuất và phát triển nông sản sạch là “chìa khóa” thành công. Ảnh: B.M

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định cho biết: Với chức năng tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh của các hộ thành viên, Hợp tác xã đã tập trung vào 12 khâu dịch vụ nông nghiệp. Trong đó, nổi bất là tổ chức cung ứng giống lúa, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên và nông dân bằng các hình thức trả chậm, mở 3 điểm bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã; Cung cấp 2 máy cấy, máy gieo hạt tự động, máy nghiền đất, máy trộn giá thể và 5.500 khay gieo mạ (đã có 72 máy tham gia hoạt động dịch vụ làm đất, máy gặt). 

Ngoài ra, Hợp tác xã còn tổ chức thu gom rác thải, đầu tư nhà xưởng phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tập trung với công suất 3 tấn/giờ, giúp đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân trong xã.

Cũng theo Giám đốc Trần Thanh Sơn, xác định liên kết sản xuất và phát triển nông sản sạch là “chìa khóa” thành công, từ năm 2008, Hợp tác xã đã phát triển dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho thành viên. 

Nhiều năm nay, Hợp tác xã luôn quan tâm ưu tiên phát triển dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho thành viên theo hướng tích tụ ruộng đất dựa trên tiêu chí cánh đồng mẫu lớn, tạo thuận lợi để canh tác cùng một giống, gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch vào cùng thời điểm. Nhờ đó, đã rút ngắn được thời gian bơm nước, phòng trừ sâu bệnh, cơ giới hoá công việc đồng ruộng. 

Tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ mới cho thành viên được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hợp tác xã Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định. Điển hình như đã quy hoạch vùng tập trung cấy 5ha bón phân hữu cơ Ong Biển và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình này đã cho kết quả cao trong việc giảm chi phí sản xuất, phòng chống ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.  

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Hợp tác xã chủ động phối hợp với cán bộ bảo vệ thực vật thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc an toàn. 

Trong khâu chế biến, Hợp tác xã đã xây dựng nhà kho với diện tích sử dụng là 216m2, một lò sấy khô sản phẩm nông nghiệp với công suất 25 tấn/lượt. 

Mặt khác, Hợp tác xã chủ động liên kết với Công ty Cổ phần Giống Thái Bình sản xuất gần 200ha lúa giống. Doanh nghiệp cung cấp giống lúa trả chậm để nông dân sản xuất theo quy trình. Cuối vụ, doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho nông dân. 

Ngoài ra, Hợp tác xã còn đang liên kết với 2 doanh nghiệp khác để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân theo mô hình chuỗi giá trị. Trong đó, Hợp tác xã là đơn vị đại diện cho thành viên và người nông dân trong xã. 

Kết quả, đến nay xã Bình Định đã phát triển thành công 6 vùng cánh đồng mẫu lớn với 300ha, thu hút gần 2.000 hộ tham gia sản xuất lúa, sản phẩm tiêu thụ bình quân của Hợp tác xã cho nông dân trong nhiều năm qua luôn đạt trên 2.100 tấn/năm, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng lúa. Cụ thể, doanh thu của các thành viên năm 2021 đạt trên 8 tỷ đồng, giá trị thu nhập cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với lúa thường, lợi nhuận của Hợp tác xã đạt 200 - 300 triệu đồng/năm. 

Những hoạt động “đồng hành” của Hợp tác xã đã giảm đáng kể chi phí sản xuất và gia tăng thu nhập của thành viên là các hộ gia đình. 

Tới thời điểm hiện tại, Hợp tác xã Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định đã trở thành một mô hình điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả.

Bình Minh