- Giáo viên không phải soạn giáo án, lớp học chia theo nhóm, mỗi nhóm có hai biểu tượng mặt cười và mặt khóc, sử dụng trong giờ làm bài tập để thông báo hoàn thành bài hoặc cầu cứu cô giáo…Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đang triển khai thí điểm được cho "ép" học sinh "chín" sớm?
Mô hình lớp học VNEN tại trường tiểu học Tân Thông - Củ Chi |
Năm học 2012-2013, TP.HCM đưa vào thí điểm “Mô hình trường học mới Việt Nam” (VNEN) và trường tiểu học Tân Thông, huyện Củ Chi là trường học đầu tiên áp dụng dạy học theo mô hình này.
Theo đó, tại các lớp học sẽ ghép đôi hai dãy bàn, từng nhóm học sinh ngồi quay mặt lại với nhau. Cả lớp được chia làm 5- 6 nhóm, mỗi nhóm khoảng 6 bạn. Học sinh ngồi theo vòng tròn, quay mặt lại với nhau để trao đổi và tự học. Ở giữa bàn có hộp đựng dụng cụ học tập như bút lông, bút màu, thước kẻ, phấn bảng, compa…
Điểm nổi bật của mô hình này là tổ chức hội đồng tự quản, trước hoặc kết thúc mỗi tiết học, chủ tịch hội đồng tự quản đứng lên thông báo để cả lớp biết. Đồng thời, em này có nhiệm vụ quan sát, nhắc nhở các bạn trong giờ học hoặc điều khiển lớp khi vắng giáo viên.
Giáo viên ghi từng mục hoạt động lên bảng để HS biết và hướng dẫn các em thực hiện. Ngoài ra còn có hai phó chủ tịch và các ban do các em ứng cử và bầu chọn như ban học tập, ban sức khỏe, ban đối ngoại, ban thể dục, ban văn nghệ…
Khi có đề bài, các nhóm sẽ chụm đầu thảo luận. Thảo luận xong thì chụm tay lại cùng hô “yeah” và giơ biểu tượng mặt cười thông báo cho cô giáo biết nhóm đã hoàn thành. Nhóm nào chưa làm xong, hoặc không làm được thì đưa biểu tượng mặt khóc cầu cứu cô giáo tới giúp đỡ.
Từ năm học 2014-2015, mô hình VNEN sẽ được Sở GĐ-ĐT TP.HCM nhân rộng ra cho cả thành phố, mỗi quận/huyện sẽ có ít nhất một trường tiểu học thực hiện.
Tuy nhiên, với việc triển khai thí điểm mô hình học mới này đang gặp nhiều khó khăn...
Đang ép trẻ “chín” sớm
Cô Bùi Thị Thảo- Thủ Đức phân vân, dạy theo mô hình VNEN thì sĩ số thích hợp chỉ khoảng là 25-35 học sinh/ lớp để phù hợp với việc chia.
Hiện tại sĩ số các lớp trong thành phố đều xấp xỉ 50 em, phòng học lại nhỏ, trên lớp đã phải kê bàn sát nhau, nếu chia nhóm cũng phải gần đến 10 nhóm giáo viên khó quan sát.
Lãnh đạo phòng Giáo dục ở một quận trung tâm cho biết dù là quy định nhưng khó thực hiện được mô hình này. Hiện nay các trường đều phải căng ra dạy học sinh, trường chuẩn sĩ số 35 em/lớp cũng khó giữ, dễ gì triển khai được mô hình này. Hơn nữa với mô hình này triển khai dễ hình thức, triển khai rộng trường này giống lớp khác, giáo viên dạy mất tính sáng tạo. Đã thế việc học sinh làm chủ tịch, phó chủ tich, ban phòng là đang gieo rắc vào đầu trẻ những chức vụ ở tuổi các em là đang ép các em “chín” sớm hơn lứa tuổi.
Thầy Đinh Văn Lăng – (Q.Bình Thạnh) cũng lo ngại “nói là dạy học VNEN vẫn đảm bảo được chương trình, nhưng khi chuyển chương trình chính thống theo kiểu SGK học nhóm thì một bài học các em chỉ thảo luận được một vài vấn đề, nếu đưa ra nhiều vấn đề học sinh không “kham” nổi.
Với mô hình này phần lớn thời gian đều do học sinh tự quản lý, giáo viên không cần phải soạn giáo án, thời gian học phần lớn thuộc về học sinh. Chị Đinh Thị Diệu Lê (Bình Thạnh)lo lắng, trong nhóm em nào “dạn” nói nhiều, hoạt động nhiều thì hiểu bài nhưng em nào quá rụt rè, tư tưởng chống đối không tham gia bàn luận, lại không có sự ép buộc từ giáo viên thì khó nắm được bài.
Ông Nguyễn Hoài Chương, phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận, đúng là việc dạy và học theo VNEN quá rập khuôn, máy móc, từ việc giáo viên ghi bảng, trình bày, tổ chức học sinh, còn học chỉ hoạt động những thao tác rất giống nhau là điều đáng lo ngại trong giáo dục.
• Lê Huyền