Theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020, để đạt được tiêu chí 13, các xã cần đạt 2 chỉ tiêu: có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

Trong bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí số 13 được bổ sung thêm 1 chỉ tiêu nữa, đó là thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương…

Tuyên Quang: 104 chủ thể là HTX có sản phẩm OCOP có 147 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên 

Trong giai đoạn 2017 - 2022, kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX đã góp phần vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đồng thời đã tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh Tuyên Quang.

Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm các dịch vụ mới gắn với chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Tiêu biểu như HTX Chè 168, HTX Chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên); HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang); HTX Chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang); HTX Sản xuất rau quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên), HTX Dịch vụ nông nghiệp Ỷ La (TP Tuyên Quang)...

mohinh.png
Ảnh minh hoạ

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Tuyên Quang - Chung sức xây dựng nông thôn mới”, các HTX đã củng cố bộ máy, xây dựng phương án sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.

Đến thời điểm 31/7/2023, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 517 HTX. Trong đó, có 433 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với số lượng thành viên HTX là 8.583 thành viên. Hoạt động của các HTX tác động không nhỏ vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra, tiến tới sản xuất sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và tạo việc làm cho thành viên và người lao động, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bước đầu đã có HTX tham gia xuất khẩu sản phẩm.

Hiện toàn tỉnh có 104 chủ thể là HTX có sản phẩm OCOP có 147 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên (trong tổng số 191 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 77%), có 77 HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 62 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 08 xã hoàn thành đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu chí bình quân xã xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,12 tiêu chí/xã. Trong đó, vai trò của các HTX nông nghiệp tại các địa phương đã góp phần to lớn đối với việc thay đổi diện mạo vùng nông thôn và thực hiện các tiêu chí về thu nhập, giảm hộ nghèo ở các xã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030 có trên 300 tổ hợp tác; trên 600 HTX với trên 13.000 thành viên. Trong đó có trên 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Đến năm 2045, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang phát triển với nhiều mô hình hợp tác, liên kết, áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số có quy mô, hiệu quả hoạt động ngang bằng với kinh tế tập thể của các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó ít nhất 75% HTX nông nghiệp tham gia các chuỗi liên kết; phấn đấu thu hút trên 20% dân số trong độ tuổi lao động tham gia các tổ chức kinh tế tập thể.

Nam Định: HTX đã góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM 

Toàn tỉnh hiện có 480 HTX đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, trong đó có 377 HTX nông nghiệp, thu hút 376.813 thành viên là cá nhân, hộ gia đình, đồng thời tạo việc làm cho 7.525 lao động. Thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. 

Hoạt động hiệu quả của các HTX đã góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM của tỉnh, thể hiện rõ nét ở lĩnh vực sản xuất theo quy hoạch với nhiều cánh đồng lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực đủ lớn để tham gia thị trường trong nước và phục vụ chế biến xuất khẩu, nhất là gạo chất lượng cao. Hiện đã có 1 HTX và 1 doanh nghiệp của tỉnh là đầu mối kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị chế biến, tiêu thụ với 68 HTX nông nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. 

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, trong tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các HTX còn chú trọng bảo vệ môi trường nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Các HTX thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cho thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ; tổ chức cho thành viên tham quan các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, 8 HTX hoạt động chuyên trong lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, giúp cho ngày càng nhiều người dân được sử dụng nước sạch. Điển hình như: HTX Nước sạch và Môi trường Sông Đào (Nam Trực); HTX Dịch vụ môi trường Nam Thanh (Nam Trực); HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Bạch Long, HTX Môi trường Giao Long, HTX Nước sạch và Vệ sinh môi trường Ngô Đồng, HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Vạn Xuân (Giao Thủy); HTX Nông nghiệp và Môi trường xanh Trường Phát (Xuân Trường); HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Bình An (Hải Hậu); HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ môi trường Yên Ninh (Ý Yên)...

Kon Tum: Các HTX nông nghiệp liên kết với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị

Kon Tum là tỉnh thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp thì việc phát triển HTX nông nghiệp ở vùng nông thôn càng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, sau 10 năm thực hiện theo Luật HTX 2012, đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân, tạo được sự ủng hộ cao của nhân dân và có sức lan toả toàn tỉnh; vai trò chủ thể của người nông dân được khẳng định và tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp công sức, tài sản phục vụ xây dựng nông thôn mới tại địa bàn, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Đặc biệt, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị; trong đó có 25 đơn vị tham gia các chuỗi liên kết giá trị nổi bật như chuỗi giá trị cà phê, cây ăn quả, dược liệu, mía đường và lúa gạo, góp phần giải quyết việc làm ổn định và có thu nhập cho hàng ngàn lao động ở vùng nông thôn. Đơn cử như tại HTX Công bằng Pô Kô, hiện đã thu hút hơn 110 thành viên liên kết tham gia. Đặc biệt, HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động trên địa bàn với mức lương khoán giao động từ 170.000-200.000đ/người/ngày.

Tính đến 30/6/2022, trên địa bàn tỉnh có 218 HTX, 1 Liên hiệp HTX và 218 tổ hợp tác. Trong đó, có 155 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm hơn 70% tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với tổng số gần 2.100 thành viên. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã giải quyết việc làm ổn định cho 600 lao động và tạo thu nhập ổn định bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm.

Đến nay, toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; có 19 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; có 29 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 1 xã đạt 8 tiêu chí. Bình quân đạt 16,15 tiêu chí/xã. Trong đó, vai trò của các HTX nông nghiệp tại các địa phương đã góp phần to lớn đối với việc thay đổi diện mạo vùng nông thôn và thực hiện các tiêu chí về thu nhập, giảm hộ nghèo ở các xã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn.

Thái Nguyên: Các tổ hợp tác đã giúp người dân khai thác hiệu quả dịch vụ nông nghiệp

Trong hơn 2 năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức, thành lập mới 109 hợp tác xã nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có 495 hợp tác xã nông nghiệp và 5 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp.

Các xã trên địa bàn tỉnh đều có ít nhất 1 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là một số xã có từ 3 đến 8 hợp tác xã nông nghiệp cùng hoạt động, tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được nhãn hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương.

Mặc dù các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đã và đang cho thấy tính hiệu quả và bền vững, giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập, tuy nhiên, số lượng chuỗi giá trị được hình thành vẫn còn ít, quy mô chưa lớn. Vì vậy, các tổ hợp tác được thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, phù hợp với quy định của Nhà nước, điều kiện và tình hình phát triển kinh tế của địa phương.

Thời gian qua, hoạt động của các tổ hợp tác đã giúp người dân khai thác hiệu quả dịch vụ nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhờ đó góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo thống kê, Thái Nguyên đã có gần 93% số xã đạt tiêu chí về thu nhập, 92% số xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, thúc đẩy việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đó là tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực nông thôn giảm chỉ còn 5,1%.

Trung Vũ