Cuối tháng 4 vừa qua, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và Quỹ Thiện Tâm phối hợp với Văn phòng nông thôn mới tỉnh Lai Châu tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá đề xuất của các Hợp tác xã đã đăng ký thực hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới tại Lai Châu.

Thực hiện chương trình hợp tác “Xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới” giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và Quỹ Thiện Tâm nhằm cùng với địa phương xây dựng một số mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các hộ cận nghèo, hộ nghèo, đặc biệt khó khăn để thoát nghèo bền vững và mô hình nông nghiệp đa giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.

Qua khảo sát thực tế, đoàn khảo sát kết luận, cơ bản các HTX tại tỉnh Lai Châu đăng ký tham gia mô hình, đều có tiềm năng lợi thế để phát triền và tạo việc làm cho cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương có thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Đề nghị các HTX trên cơ sở ý kiến của đoàn, bàn bạc thống nhất với các thành viên trong HTX, xây dựng đề án hỗ trợ cụ thể gửi về Quỹ Thiện Tâm để xét duyệt hỗ trợ thực hiện trong năm 2024

W-nuoiong.png
Nuôi ong- mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới tại Lai Châu

Thời gian qua, để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đạt được những kết quả quan trọng.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá, giá trị sản xuất tăng bình quân trên 5%/năm. Các chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất nông nghiệp được thực hiện hiệu quả; cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng hiện đại, gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung ngày càng phát triển và mở rộng. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được triển khai tích cực, tỷ lệ che phủ rừng hàng năm đều vượt kết hoạch đề ra.

Những kết quả mà Ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh đạt được đã trực tiếp góp phần không nhỏ đến kết quả của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy được sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận và đồng lòng, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.

Từ kinh nghiệm của mình tỉnh Lai Châu rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải quán triệt sâu sắc nội dung của nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp của địa phương; đồng thời phải lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kiên trì vận động, thuyết phục nông dân đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa tập trung.

Có cơ chế chính sách đủ mạnh tạo động lực phát triển; chú trọng xây dựng thực hiện, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý. Khuyết khích tạo điều kiện cho nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp theo định hướng quy hoạch sản xuất, phát triển sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa.

Quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường công tác khuyến nông, nâng cao trình độ năng lực sản xuất cho nông dân, gắn phát triển nông nghiệp với giảm nghèo bền vững.

Chú trọng quy hoạch phát triển nông nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, địa phương; tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Phát triển liên kết hợp tác bền vững nông dân hợp tác xã với doanh nghiệp.

Chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có trình độ, cơ cấu chuyên môn phù hợp, đồng thời tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện tháo gỡ khó khăn của cơ sở; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình sản xuất, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả.