Trang trại tổng hợp của Trần Thị Như Oanh, thôn Đông Thành, xã Nam Trạch, (Bố Trach, Quảng Bình) rộng lớn, đa dạng các loại cây trồng với diện tích trên 10 ha, trong đó, có gần 5 ha cây sả nguyên liệu đã đến kỳ thu hoạch. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình chị đã phải trải qua một thời gian dài khó khăn, vất vả với bao mồ hôi, công sức.
Gần chục năm trước, khi phong trào trồng cao su phát triển mạnh, chị Oanh quyết định vay mượn tiền để trồng cao su. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 năm 2013 và bão số 10 năm 2017, diện tích cây cao su bị gãy đổ rất nhiều, gia đình chị rơi vào cảnh lao đao.
Không cam chịu thất bại, chị Oanh tiếp tục tìm kiếm một hướng đi mới.
3 năm trước, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị tình cờ biết đến cây sả Java có xuất xứ từ Indonesia là loại cây khá dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao nên đã quyết định đưa giống sả này về nhân giống.
Nhiều hộ nông dân Quảng Bình no đủ nhờ mô hình trồng sả lấy tinh dầu |
Chị cho biết: "So với các loại cây trồng khác thì trồng sả không quá khó, tuy nhiên phải nắm đúng kỹ thuật, quy trình trồng của loại cây này. Đó là phải trồng đúng thời vụ, làm cỏ, bón phân khi mới xuống giống. Sau khi giống chuẩn bị phát triển thì phải làm sạch cỏ. Hàng năm, làm cỏ, bón phân khoảng một đến hai lần".
Trồng sả xong, chị Oanh mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng chưng cất tinh dầu gồm 1 nồi chưng cất, dung tích 1,5 tấn lá/nồi, lò đốt, hệ thống làm mát với vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu đồng.
Ước tính, mỗi năm cơ sở của chị Oanh thu mua trên 1.300 tấn lá sả, chiết xuất được 5.000 lít tinh dầu sả.
“Theo giá thị trường hiện nay, mỗi lít tinh dầu sả có giá dao động khoảng 1-1,2 triệu đồng/lít”, chị nói.
Ngoài ra, thị trường tiêu thụ dầu sả cũng rất lớn, không chỉ trong xã, huyện mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành khác, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An... Nhiều công ty cũng tìm đến tận nơi để thu mua làm dược liệu và xuất khẩu.
Theo chị Trần Thị Như Oanh, hiện tại, cơ sở đang nấu dầu ở chế độ nấu nồi thủ công. Thời gian tới, cơ sở sẽ đầu tư 4 nồi inox áp suất kéo và cuốn hơi nước, đồng thời, lắp đặt hệ thống điện 3 pha theo công nghệ hiện đại. Sau khi đầu tư thêm máy móc, thiết bị và đi vào hoạt động ổn định, cơ sở sẽ nghiên cứu sản xuất thêm sản phẩm, như: tinh dầu tràm, tinh dầu bưởi….
Anh Trần Thế Dũng, thôn Sào Sa, xã Nam Trạch – một hộ dân trồng sả khác cũng cho biết, một ha trồng sả thâm canh từ năm thứ hai trở đi có thể thu được 120-150 tấn lá/năm, chưng cất được từ 400-500 lít tinh dầu sả.
Ngoài ra, bà con còn tận dụng bã sả để ủ làm phân bón bán cho công ty hoặc các hộ, cơ sở có nhu cầu với giá 500.000 đồng/tấn.
Nhận thấy đây là mô hình khá hiệu quả, nhiều hộ dân trong xã đang bắt đầu chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng sả, mang lại nguồn thu đáng kể trong sản xuất nông nghiệp.
Được biết, hiện nay, tổng diện tích trồng sả của xã Nam Trạch là hơn 16ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở các thôn: Đông Thành, Tây Thành và Sao Sa. Giống sả được người dân lựa chọn là giống sả chanh thơm Ấn Độ và sả Zava. Đến nay, nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ trồng sả.
Ông Đoàn Ngọc Nhân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Trạch cho biết, nhận thấy giá trị kinh tế mà cây sả mang lại, cấp ủy, chính quyền xã Nam Trạch đã tích cực vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cây sả và xác định đây là một trong những loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Xã có định hướng xây dựng sả thương phẩm và tinh dầu sả thành sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020.
Ông cũng cho hay, “Hiện, xã đang xây dựng kế hoạch tăng diện tích trồng cây sả lên 35ha”.
Thanh Bình
Ảnh: Hữu Khôi