- Phim ngắn “Một ngày” trên Tiệc phim trực tuyến YxineFF gây ngạc nhiên ở đề tài zombie (xác chết hồi sinh) mà nó chạm tới cho điện ảnh Việt.


Trong căn phòng cũ kỹ được dụng công khéo léo về màu sắc và bối cảnh, người đàn ông (Cao Huy Bách diễn xuất) quần áo dơ bẩn ngồi quay lưng trên chiếc ghế, đứng dậy bước vào nhà vệ sinh.
Cảnh trong phim “Một ngày”

Bằng góc máy kín đáo từ phía sau và nhiều cận cảnh, bộ phim khơi dậy tò mò về gã đàn ông bí ẩn, người đã khoác lên chiếc mặt nạ và bước ra đường với một kế hoạch. Một loạt chi tiết kỳ lạ tiếp nối trong hình ảnh úa màu thời gian, và âm nhạc khi chậm đều khơi gợi khi hối thúc hồi hộp.

Đó là khúc dạo đầu cuốn hút của bộ phim ngắn “Một ngày” của đạo diễn trẻ Nguyễn Vũ Minh Đức (sinh năm 1985), vừa trình chiếu trong hạng mục tranh giải khu vực của Tiệc phim trực tuyến YxineFF. Trong độ dài 15 phút với chừng chục câu thoại, bộ phim đã kể được câu chuyện bằng hình ảnh, dẫn dắt người xem đi từ tò mò tới bất ngờ bàng hoàng.

Nhưng điều quan trọng hơn là bộ phim cho thấy khả năng kiểm soát về kỹ xảo hình ảnh và hóa trang của Minh Đức và nhóm làm phim 4 người, gồm toàn các bạn trẻ đồng trang lứa với đạo diễn. Bởi thể loại zombie mà họ chạm tới, cho đến nay vẫn là mới mẻ và có tính khai phá trong điều kiện hiện có của điện ảnh Việt.

Sau thời gian học đạo diễn tại Mỹ, Minh Đức trở về nước tham gia vào các đoàn làm phim gần đây như “Mỹ nhân kế”, “Giữa hai thế giới”, “Vũ điệu đường cong”. Không mơ mộng viễn vông, Minh Đức biết cách làm cho dự án làm phim kinh dị 90 phút của mình về zombie Việt trở nên thực tế hơn. Đầu tiên là thử sức bằng một phim ngắn cho phép thể nghiệm những nghiên cứu về kỹ xảo và hóa trang của anh và người bạn Nguyễn Minh Huy.

Một thử nghiệm hóa trang của nhóm làm phim trước ngày quay.
Để quay bộ phim trong 4 ngày với kinh phí…4 triệu, công việc chuẩn bị của họ đã diễn ra nhiều tháng trước đó. Họ tự nấu tất cả chất liệu hóa trang và pha chế để đạt tính chân thật và thẩm mỹ theo mong muốn. Cho dù việc này có thể gây ra những “tai nạn” trời ơi như trước ngày bấm mày, những tấm mặt nạ do được làm từ…thực phẩm nên đã bị chó gặm khi đang được phơi qua đêm. Nhóm quyết định không hủy ngày quay bằng cách sử dụng nhưng bản đúc dự phòng.

Nói về những thuận lợi và khó khăn của một đạo diễn trẻ thuộc thế hệ 8X và 9X so với những thế hệ trước, Đức chia sẻ: “Khó khăn thì tôi thực sự không biết , chỉ thấy thế hệ của tôi và sau tôi càng ngày có nhiều thuận lợi. Bây giờ các thiết bị và kỹ thuật, từ quay phim đến dựng phim, chỉnh màu, kỹ xảo.... tất cả đều tương đối rẻ và dễ tiếp cận hơn. Lấy ví dụ đơn giản, chỉ mỗi khoản tiền mà cha anh hồi xưa phải bỏ ra để mua phim nhựa để quay, rồi tráng rọi, thì chắc cũng đủ để mua/mướn được một cái máy chụp hình (để quay phim chất lượng cao) và một cái máy tính để dựng phim, làm kỹ xảo, chỉnh màu.

Rồi đến khâu phát hành , hồi xưa phải chạy đi kiếm rạp hoặc chỗ chiếu, còn bây giờ nếu muốn chiếu phim ngắn của mình thì cứ tải lên youtube là sẽ có hàng ngàn, hàng triệu người xem. Nghe chuyện kể của những đàn anh trong nghề về những năm tháng vào nghề của họ mà tôi càng nể phục, càng phải tự phấn đấu vì cảm thấy mình có nhiều thuận lợi hơn so với họ”.
Đạo diễn Nguyễn Vũ Minh Đức (bìa phải) và nhóm làm phim trẻ.
 
Để có những phim lớn, các đạo diễn trẻ thường phải bắt đầu từ phim độc lập. Riêng bạn, bạn gõ cánh cửa nào để bước vào thế giới điện ảnh?

Phim độc lập cũng là một cánh cửa tốt để tới với điện ảnh vì nó cho đạo diễn nhiều "đất" và tự do hơn trong việc thể hiện ý tưởng. Nhưng để làm được phim độc lập, cho dù là phim kinh phí thấp, thường thì phải tự huy động vốn. Và thường sẽ nói chuyện bằng tiền tỉ. Nếu may mắn là con đại gia, hay có nhiều bạn bè rảnh tiền thì tốt. Còn không có nhiều tiền thì phải biết cách kiểm soát và tiết kiệm kinh phí, nhiều khi cũng là hạn chế để phát huy ý tưởng.

Đối với tôi, tôi sẵn sàng gõ hết tất cả các cánh cửa, đi hết tất cả các con đường để thực hiện được phim điện ảnh. Nếu không có đường thì sẽ phải tự mở đường thôi. Và cũng có thể dự án điện ảnh 90 phút của tôi trong năm sau cũng sẽ đi con đường phim độc lập, nếu cửa đó mở cho tôi.

Lỡ như không thành công, bạn có chọn lại một con đường khác?

Tôi đang học dự bị y khoa thì đổi qua điện ảnh. Nếu cho tôi chọn lại thì tôi vẫn chọn con đường phim ảnh. Và nếu không thành công thì tôi vẫn chọn đi tiếp con đường này. Mà chẳng có gì phải lo. Tôi về Việt Nam chưa tới 2 năm, cũng chẳng có gì ngoài kinh nghiệm và những mối quan hệ, mà hai thứ này thì chỉ có thêm chứ không thể mất được. Không có gì để mất, cứ cắm đầu mà lủi tới thì chắc cũng có ngày thành công.

Khải Trí