Theo PGS.TS Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, một năm số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến 36.000-40.000 người. Hiện có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15-25%.

Hầu hết trường hợp tự tử đều do rối loạn tâm thần, trong đó 75% trầm cảm, 22% nghiện rượu, nghiện ma túy, cờ bạc, chỉ 3% còn lại do tâm thần phân liệt, động kinh.

Hơn thế, 85% bệnh nhân ung thư hiện nay bị trầm cảm. Với người mắc đái tháo đường chưa kiểm soát, tỷ lệ này cũng tương tự. Bệnh nhân đang được điều trị ổn định về đường huyết tỷ lệ trầm cảm điển hình là 25%. Trầm cảm làm tăng gấp đôi nguy cơ chết ở người mắc đái tháo đường và ngược lại.

Theo PGS.TS Cao Tiến Đức, trầm cảm là bệnh phải điều trị sớm và uống thuốc đều đặn. Một năm tỷ lệ tử vong ở nước ta do tai nạn giao thông khoảng 10.000-13.0000 người, trong khi số lượng tự tử lên đến 36.000-40.000 người, gấp 3-4 lần song ít người nhắc đến.

{keywords}

Nguyên nhân trầm cảm

PGS.TS Cao Tiến Đức cho hay, trầm cảm là chứng bệnh của hệ thần kinh, chịu nhiều tác động của môi trường sống, điều kiện làm việc, yếu tố tâm lý. Tỷ lệ mắc cả đời là 15% trong dân chúng và có thể lên đến 25% ở giới nữ, hay gặp ở lứa tuổi từ 18-45. Đây chính là nguyên nhân gây suy giảm các chức năng nghề nghiệp, xã hội thứ hai sau các bệnh lý tim mạch.

Nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh trầm cảm đa phần do sang chấn tâm lý khi bị chấn động bởi một “cú sốc” nào đó ở trong cuộc sống hoặc do phải làm việc, sống trong một môi trường áp lực kéo dài quá sức chịu đựng.

Trong đó, một số áp lực tâm lý hay gặp như mất người thân, ly hôn, con cái bỏ nhà, bị người yêu cự tuyệt, áp lực cơm áo gạo tiền... Những sang chấn này dần dần tác động khiến người bệnh rơi vào trạng thái thất vọng, chán nản và đau khổ. Tương tự, khi lý tưởng bị tiêu tan, mất hy vọng, thành công hay thất bại trong sự nghiệp, phạm lỗi, bị xử phạt, bị hiểu lầm làm giảm tính tự tôn cũng dễ dẫn tới trầm cảm.

Dấu hiệu nhận biết người bị trầm cảm

Theo PGS Đức, bệnh trầm cảm có nhiều loại, ở người cao tuổi, vị thành niên, người trưởng thành, trầm cảm loạn thần, cảm ẩn. Mỗi loại đều có những triệu chứng khác nhau.

Người bị trầm cảm thông thường hay có vẻ mặt buồn rầu, nét mặt đơn điệu, ánh mắt chậm chạp, lơ đãng, giảm hoặc mất sự quan tâm thích thú của mình trước đây.

Ngoài ra, có những triệu chứng khác như ăn không thấy ngon miệng, thường xuyên mất ngủ, ngại giao tiếp và đến nơi đông người vì thiếu tự tin.

Đặc biệt, triệu chứng nguy hiểm và dễ nhận ra nhất là việc người bệnh luôn cảm thấy chán sống, muốn từ bỏ tất cả và có ý nghĩ tự sát. Ngay khi phát hiện ra điều này cần sớm đưa người bệnh đi chữa trị ngay”, PGS Đức khuyến cáo.

Chuyên gia này cho biết có rất nhiều các vụ tự tử là do căn bệnh này. Đáng lo ngại khi không chỉ bản thân người bệnh muốn chết, họ còn muốn kéo theo người thân tự tử cùng.

Về khả năng chữa trị bệnh trầm cảm, theo PGS Đức, người bệnh phải trải qua quá trình điều trị lâu dài. Họ được dùng thuốc chống trầm cảm, kết hợp với thuốc an thần, thuốc giải lo âu.

Bác sĩ lưu ý, tất cả bệnh nhân trầm cảm đều có thể có ý muốn và hành vi tự sát, song phải cần ít nhất từ 2-3 tuần thì thuốc chống trầm cảm mới có tác dụng và mới cải thiện được triệu chứng trầm cảm của bệnh nhân. Vì vậy việc theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trong 2 tuần đầu điều trị là rất quan trọng.

Theo SKĐS