Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 của CTCP Pin Hà Nội - Habaco (mã: PHN), doanh thu thuần của chủ hãng Pin Con Thỏ trong năm 2023 đạt 424 tỷ đồng, giảm gần 8% so với năm trước. Nhưng do giá vốn giảm mạnh nên Habaco vẫn lãi gộp hơn 101 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, Habaco thu về hơn 1,16 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, Habaco lãi sau thuế năm 2023 đạt hơn 51 tỷ đồng, tăng 39% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận hàng năm cao nhất từ trước đến nay của Habaco.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Habaco tăng 26 tỷ đồng so với hồi đầu năm, đạt 173 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn tăng 5 tỷ đồng, lên 27 tỷ đồng và không ghi nhận số nợ dài hạn.

Năm 2024, Habaco đặt mục tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt 353,2 triệu viên pin các loại. Doanh thu dự kiến đạt 438,7 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 60,3 tỷ đồng.

CTCP Pin Hà Nội tiền thân là Nhà máy Pin Văn Điển, được thành lập đầu năm 1960. Đây là nhà máy đầu tiên và duy nhất ở miền Bắc lúc đó sản xuất và cung cấp pin phục vụ quốc phòng, an ninh và các mục đích khác của nền kinh tế.

Mặc dù đã tồn tại hơn 60 năm, trải qua nhiều biến động của thị trường nhưng Habaco vẫn giữ được kết quả kinh doanh tốt, thậm chí còn đạt kỷ lục mới, đứng vững trên thị trường đầy cạnh tranh.

Thị trường tiêu thụ chính của Habaco là các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên... Lượng xuất khẩu ổn định sang thị trường Lào, Campuchia. Ngoài ra, Habaco thông qua cổ đông chiến lược là Công ty TNHH Pin quốc tế GP Singapore để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Ấn Độ, Đông Âu, Trung Á, châu Phi, Nam Mỹ...

Trong cơ cấu cổ đông, cổ đông lớn nhất của Habaco là GP Batteries International Limited (Hồng Kông - Trung Quốc) chiếm 49% vốn điều lệ và cũng là đơn vị phân phối độc quyền các sản phẩm pin nhãn hiệu GP tại thị trường Việt Nam từ tháng 9/2019. Ngoài ra, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chiếm 2%, ông Phạm Văn Nghĩa nắm 5% và các cổ đông khác chiếm 44%.

Trên thị trường, kết phiên giao dịch ngày 20/2, cổ phiếu PHN đạt 49.500 đồng/cp, tăng 25% so với đầu năm 2023.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* ELC: Theo Báo cáo hợp nhất, quý IV/2023, CTCP Công nghệ - Viễn thông Elcom đạt doanh thu hơn 522 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 đạt hơn 40 tỷ đồng, gấp gần 40 lần so với cùng kỳ.

* NAB: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố quyết định hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của Nam A Bank kể từ ngày 29/2. NAB sẽ chuyển sang giao dịch trên sàn HOSE kể từ ngày 8/3.

* SIP: Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa có thông báo về việc đưa cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ từ ngày 19/2.

* POM: Bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ ông Đỗ Xuân Chiểu, thành viên HĐQT CTCP Thép Pomina, đăng ký bán ra toàn bộ 8.160.504 cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 2,92%, về 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 23/2 đến ngày 22/3.

* DGC: Ngày 15/2, ông Lưu Hoàng Đức, em trai ông Lưu Bách Đạt, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Đức Giang đã mua vào 17.500 cổ phiếu DGC để nâng tỷ lệ sở hữu từ 0 lên 0,0046% vốn điều lệ.

* KSB: Ông Nguyễn Hoành Sơn, Phó Tổng giám đốc CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Sơn, đăng ký bán toàn bộ 75.800 cổ phiếu KSB nhằm thu xếp tài chính cá nhân.

* HJS: CTCP Chứng khoán VIX vừa thoái tiếp 1,65 triệu cổ phiêu HJS của CTCP Thủy điện Nậm Mu vào ngày 19/2, đưa tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn.

* PAC: CTCP Chứng khoán Thành Công thông báo không mua được cổ phiếu PAC nào của CTCP Pin Ắc quy Miền Nam trên tổng số 7 triệu cp (tỷ lệ 15%) đăng ký trong giai đoạn 9/1-7/2.

* ST8: Ông Lìu Đăng Khoa trở thành cổ đông lớn của CTCP Đầu tư phát triển ST8 từ ngày 5/2 sau khi mua 815.000 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 3,9% lên 7,1%.

VN-Index

Kết phiên giao dịch ngày 20/2/2024 , VN-Index tăng 5,09 điểm (+0,42%) lên 1.230,06 điểm. HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,05%) lên 233,5 điểm. UpCOM-Index tăng 0,07 điểm (+0,08%), lên 90,53 điểm.

Theo Công ty Chứng khoán SHS, dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường trong nhịp tăng và hiện VN-Index rất tích cực khi sắp tiệm cận ngưỡng cản mạnh trung hạn 1.250 điểm.

Đà tăng của VN-Index có thể sẽ gặp khó khăn bởi khả năng rung lắc, điều chỉnh sẽ gia tăng dần khi chỉ số tiến dần tới vùng 1.250 điểm.

Còn theo Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), vùng giá trị đỉnh nhịp hồi năm 2023 tương ứng 1.250-1.280 điểm dự báo sẽ là vùng kháng cự mạnh trong thời gian tới, khi đây là vùng quyết định liệu xu hướng dài hạn có thoát kênh giảm từ giữa năm 2022 hay không.

Việc đà tăng vẫn lan tỏa đều khắp các nhóm ngành, đan xen các nhịp điều chỉnh liên tục khi tăng điểm cũng cho thấy tín hiệu tăng giá bền vững. Trong phiên giao dịch sắp tới, đà tăng kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục duy trì về cuối phiên.