Qua nhiều thăng trầm, mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát triển hiện nay được nhìn nhận một cách tích cực và ngày càng gần hơn với vai trò thực tế trong xã hội. Với việc khẳng định tầm quan trọng của di sản văn hóa trong phát triển thể hiện ở các chính sách và chương trình hành động của Nhà nước và của ngành văn hóa, mối quan hệ này đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi...
Khái niệm di sản văn hóa và phát triển ngày càng trở nên quen thuộc với cả xã hội, trở thành môn/ngành học và là chủ đề trong các nghiên cứu, các diễn đàn hội thảo, tọa đàm, các diễn ngôn truyền thông... Tất cả những điều này chứng tỏ di sản văn hóa đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cộng đồng chủ thể của di sản nói riêng, của toàn xã hội nói chung, đặc biệt là từ khi nhiều di sản văn hóa của Việt Nam nhận được sự quan tâm, ghi danh của UNESCO và kèm theo đó là những cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc bảo vệ di sản văn hóa, đưa di sản văn hóa vào các mục tiêu phát triển.
Điều này đóng vai trò như chất xúc tác và cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương nhận thức được giá trị của di sản văn hóa hiện có trên địa bàn, từ đó ưu tiên đầu tư cả nguồn lực vật chất và nguồn lực con người vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản, gắn di sản với phát triển. Các hoạt động được ưu tiên bao gồm công tác phục hồi, trùng tu, tôn tạo, tư liệu hóa, truyền dạy, vinh danh nghệ nhân cũng như hoạt động quảng bá nhằm khai thác, phát huy di sản một cách bền vững. Quan trọng hơn, các chương trình, đề án và hoạt động bảo vệ này trở thành cơ sở để các cấp chính quyền ở địa phương, Trung ương xây dựng các chương trình cụ thể bảo vệ, phát huy những di sản văn hóa được công nhận, được ghi danh và các di sản văn hóa khác.
Thông qua việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hóa, đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ di sản văn hóa các cấp được trang bị thêm kiến thức chuyên ngành, đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn, từ đó nhận thức đầy đủ hơn về sự cần thiết của việc bảo vệ di sản văn hóa và vai trò của di sản văn hóa trong phát triển ở địa phương.
Nhìn từ phía các cộng đồng chủ nhân di sản, sự phổ biến của các diễn ngôn về di sản văn hóa và phát triển, sự quen thuộc và ngày càng nhiều các di sản văn hóa được ghi danh, được xếp hạng,... giúp họ có cách nhìn mới về di sản văn hóa. Khi các di sản văn hóa do ông cha họ để lại được quan tâm, được đưa vào các danh sách di sản văn hóa cần được bảo vệ, danh sách di sản văn hóa đại diện của nhân loại hay danh sách di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp, điều đó củng cố, gia tăng niềm tự hào, giúp các cộng đồng có nhận thức mới về giá trị di sản mà họ đang nắm giữ và thực hành. Niềm tự hào, nhận thức mới này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ di sản văn hóa, bởi nó là chất xúc tác để nhiều nhóm cộng đồng tham gia một cách chủ động, có ý nghĩa và tự nguyện để bảo vệ di sản văn hóa (cho dù sự tham gia đó có thể không đem lại cho họ nguồn lợi vật chất).
Sự tham gia một cách tích cực và có ý nghĩa của cộng đồng vào việc bảo vệ di sản không chỉ thể hiện ở con số thống kê (số lượng các di tích được trùng tu, tôn tạo, số lượng câu lạc bộ nghệ thuật được thành lập, số lượng người tham gia thực hành di sản...) của các cơ quan quản lý văn hóa các cấp, mà còn ở chính sự tâm huyết với di sản, khao khát truyền dạy di sản cho thế hệ sau, sự tự nguyện đầu tư công sức, tiền của cho việc trùng tu tôn tạo và bảo vệ di sản văn hóa...
Với sự tích cực đó từ phía Nhà nước và cộng đồng, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, Việt Nam có 25 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 4 di sản thiên nhiên và văn hóa vật thể, 14 di sản văn hóa phi vật thể và 4 di sản tư liệu. Bên cạnh đó, có 40.000 di tích được thống kê, 112 di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt, 3.560 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và và 10.109 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cùng 127 di tích lịch sử và bảo vật quốc gia. Ngoài ra, còn có 4 triệu hiện vật của 179 bảo tàng cũng được xem là một phần của kho tàng di sản văn hóa đang được trưng bày, lưu giữ.
Bên cạnh đóng góp vào sự phát triển văn hóa, định hình bản sắc, hệ thống di sản văn hóa này đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản. Những bảo tàng rất đông khách tham quan (như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế...); những di sản văn hóa và thiên nhiên luôn ở tình trạng quá tải (như phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long, danh thắng Tràng An, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng...); những di sản văn hóa phi vật thể thu hút số lượng lớn người tham dự và trải nghiệm (như nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hội Gióng, dân ca Quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử...) đã mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc khai thác nguồn lực di sản văn hóa còn kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố khác như kết cấu hạ tầng, dịch vụ, sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động,... tạo ra sự phát triển bao trùm và hài hòa. Ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng sử dụng hiệu quả di sản văn hóa trong công việc kinh doanh, tạo ra nhiều lợi nhuận (ví như các khu du lịch sinh thái, các resort đưa các di sản văn hóa vào xây dựng, trang trí, kiến trúc cảnh quan hoặc tổ chức các sinh hoạt văn hóa truyền thống thu hút rất đông khách du lịch); các bảo tàng/sưu tập tư nhân, các chương trình nghệ thuật lớn trưng bày và trình diễn các loại hình di sản văn hóa rất hiệu quả.
Những không gian di sản văn hóa như vậy không chỉ trở thành sản phẩm văn hóa - thương mại tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, mà còn lan tỏa giá trị di sản, góp phần vào sự phát triển xã hội hài hòa, nhân văn và có bản sắc.
Quang Ninh, Nguyễn Bắc, Anh Duy