“Đúng là người cũ ám ảnh chú một thời gian dài. Nhưng nặng lòng đến mức mà không còn tình cảm dành cho vợ như báo viết thì không đúng”, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ thế.

“Tình chết không đợi chờ...”

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 luôn nhận mình là người “sống quyết liệt theo cảm xúc” như trong một cuộc phỏng vấn trước đây tôi có thực hiện với ông.

{keywords}
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Điều đó cũng lý giải cho tất cả mọi việc: Từ nhất quyết cãi lời bố rồi bỏ nhà đi theo đam mê âm nhạc năm 18 tuổi; yêu mãnh liệt một người con gái; quyết ở lại Sài Gòn sau sự kiện tháng 4/1975 cũng như những sự kiện sau này của cuộc đời ông:

“Chú có một mối tình duy nhất và một hạnh phúc duy nhất. Hồi trẻ thì rung cảm rồi yêu, có thể gọi đó là từ yêu thuần túy. Nhưng khi lập gia đình thì ông trời đã ban cho hạnh phúc. Trong hạnh phúc nó chứa đựng tất cả”, đó là điều ông đã thổ lộ

Một số bài báo đã hiểu sai suy nghĩ của ông, cho rằng dù lấy vợ ông vẫn còn yêu người yêu cũ và cho rằng trọn cả kiếp người ông chỉ yêu duy nhất một người đó.

“Thực tế mọi chuyện đã kết thúc khi chúng tôi tha thứ cho nhau, tha thứ cho quá khứ để rồi đời ai người sống một cách trọn vẹn”, đó là điều ông lý giải về mối quan hệ này.

18 tuổi, ông rung cảm với một nữ sinh gần nhà và hai người đã tự đốt cháy mình trong một tình yêu mãnh liệt. Ông Ánh tự nhận mình, khi yêu và đam mê một điều gì, hay một ai, ông đốt trọn mình như một con thiêu thân.

Và chính lo sợ điều đó, nên gia đình cô gái tìm mọi cách để ngăn cấm, chứ không hẳn chê ông là một nhạc công nghèo nay đây mai đó. Giải pháp cuối cùng mà họ đưa ra là đưa con gái sang Pháp học.

Ông đã chờ đợi nhưng thời gian cứ trôi mà người xưa không một tin tức. Ít năm sau ông lập gia đình với một vũ công nơi ông vẫn chơi nhạc hàng đêm. Khi lấy ông, người vũ công đó đã bỏ việc ở nhà trọn vẹn lo cho gia đình.

Ông từng cho biết, dù đã lập gia đình nhưng lửa lòng với người xưa vẫn không tắt. Dù cuộc sống không phải trôi đi cùng ái ân nhạt nhẽo với người mới, nhưng thực lòng, hình ảnh của mối tình một thời xuân trẻ cứ ám ảnh ông mãi.

Người vợ hiểu được cảm xúc của ông nhưng bà chấp nhận vì thực tế, dù ông có nặng lòng nhưng người xưa giờ chỉ còn là nhân ảnh chứ không phải bằng xương bằng thịt nên cũng chẳng việc gì phải ghen tuông.

Bà vun đắp cùng ông ân nghĩa đẹp mỗi ngày để đẩy xa cái quá khứ nặng nề trong lòng người chồng nặng tình ấy, để cuộc sống luôn có tiếng cười xua đi những điều không vui từ dư âm cuộc tình cũ của chồng.

Có một điều dù đã lập gia đình rồi, mà mãi ông không trả lời mình được là tại sao người cũ lại rời xa ông. Cảm xúc cuồng yêu, nỗi đau khổ, nỗi day dứt cứ quấn lấy ông một chặng thời gian dài trước khi ông lập gia đình.

Cảm xúc đó đi vào một ca khúc đã được hát trong bao thập kỷ là “Tình khúc chiều mưa” với những ca từ khắc khoải: Tình chết không đợi chờ. Tình xa ai nào ngờ. Người hỡi xin trọn đời, lẻ loi…

Gặp lại sau 10 năm và “anh phải trở về với hạnh phúc của mình”

Và rồi mọi day dứt đó được giải thoát khi tròn 10 năm sau, người con gái ấy trở lại Sài Gòn. Một cuộc gặp gỡ bẽ bàng giữa hai con người sau 10 năm xa cách. Lúc này đây, ông đã có vợ con, còn cô gái ấy cũng đã đi theo tiếng gọi của cuộc tình khác.

10 năm ấy, cả hai đều ôm những cảm xúc khác biệt. Kẻ thì day dứt, kẻ thì ân hận khiến họ sống rất nặng nề.

Cho đến một ngày, cô gái nhận thấy rằng mọi thứ bây giờ đã là không thể và đành chấp nhận số phận theo lẽ vốn có của nó, cô đã để lại mọi thứ ở lại quá khứ và tự mở lòng với tình cảm mới.

Và việc chọn quay lại Sài Gòn để gặp lại người xưa cũng từ tâm thái đó.

Họ cùng ngồi nhìn nhau, kể lại 10 năm thanh xuân đã đi qua và cùng xin nhau tha thứ để rồi cô quay lại Pháp, ông trở lại cuộc sống bình thường của mình, yên phận với những bình yên mà người vợ ông đã hy sinh tất cả để dành tặng cho ông.

Cuộc gặp sau 10 năm đó đã lái những tình khúc của Nguyễn Ánh 9 sang một trạng thái khác.

Nếu như những ca khúc trước đó là những oán hận, dằn vặt với “Không! Tôi không còn yêu em nữa”, thì sau đó là sự chấp nhận khép lòng mình lại với “Tình yêu đến trong giã từ”.

Có lần tôi hỏi ông về cuộc gặp ấy, điều cuối cùng mà ông nói là gì, ông cười rất hiền: Chú và cô ấy đã thống nhất là quên nhau để sống cho nhẹ nhàng, chú phải trở lại với hạnh phúc của chú, với cuộc sống của chú.

{keywords}
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và vợ.

Ông trở về. Người vợ ấy vẫn luôn đợi ông. Vẫn luôn dành cho ông những ân cần, những lo toan và những chịu đựng nào đó khi những nốt nhạc của ngày cũ lại vang lên.

Phụ nữ mà, dù có bao dung đến mấy cũng không thể không chạnh lòng, khi mà những gì đẹp nhất trong một cuộc tình, chồng mình chưng cất vào âm nhạc, lại là để viết tặng một người phụ nữ khác.

Đã có một thời điểm ông dừng lại với âm nhạc, để làm một nhân viên soát vé tại một cảng vụ.

Ông làm công việc đó trong 2 năm để thử cái cảm xúc của mình khi vắng âm nhạc, một phần cũng để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống mà âm nhạc không thể cứu rỗi được.

Nhưng rồi ông không thể cãi lại chính mình rằng, ông sinh ra là để dành cho âm nhạc, sống với âm nhạc. Ông quay trở lại mở lớp dạu dương cầm và đi biểu diễn.

Và ông hạnh phúc, khi được sống với cây đàn, với âm nhạc cho đến cuối đời.

Và ông là người đàn ông hạnh phúc nhất, khi đã nếm đủ trạng thái của một mối tình. Cũng như hưởng đủ những trạng thái đẹp nhất của một hạnh phúc, cho đến phút cuối của cuộc đời!

Theo Tri thức trẻ