Đặc biệt với khối ngành khoa học ứng dụng, liên quan đến chăm sóc sức khỏe như Vật lý Y khoa, nhà trường càng chú trọng đầu tư về phòng thí nghiệm thực hành, tạo cơ hội thực tập tại bệnh viện cho sinh viên.
Sinh viên và nhu cầu vừa học vừa thực hành
Ở bậc đại học nước ta, thời gian thực tập của sinh viên thường diễn ra vào cuối năm thứ 3 hoặc năm thứ 4. Đây là thời điểm để sinh viên tìm hiểu và có những làm quen bước đầu với môi trường làm việc thực tế sau khoảng thời gian dài học lý thuyết trên giảng đường.
Lý thuyết giúp sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng, việc thực tập giúp các bạn vận dụng lý thuyết vào thực tế, áp dụng những kiến thức nền đã được đào tạo, phát huy khả năng cá nhân. Môi trường làm việc luôn có rất nhiều những khác biệt so với trường lớp và đó là điều kiện để các bạn sinh viên học hỏi cũng như trau dồi nhiều hơn, qua đó xử lý tình huống một cách chủ động và khéo léo hơn.
Thực tập còn là quãng thời gian quý giá bởi giúp các bạn sinh viên nâng cao và hoàn thiện kỹ năng. Thông qua các hoạt động giao tiếp, ứng xử, thuyết trình hay làm việc nhóm trong khi thực tập, sinh viên có thể dần trau dồi và rèn luyện, hoàn thiện kỹ năng mềm của bản thân.
“Một kỳ thực tập chỉn chu và nghiêm túc thật sự trau dồi thêm cho bản thân em rất nhiều điều, từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng mềm. Những thứ học trên ghế nhà trường chỉ là nền tảng, khi ứng dụng vào công việc lại có vô vàn biến số mà nếu bản thân không trực tiếp thực hành, em không thể lường trước được những tình huống bất ngờ. Thật sự việc thực hành mang lại cho bản thân em nhiều kiến thức thực tế bổ ích”, Nguyễn An Ninh, sinh viên ngành Vật lý Y khoa chia sẻ.
Cơ sở vật chất chuẩn quốc tế phục vụ thực hành ở ĐH Nguyễn Tất Thành
Việc vừa học kiến thức lý thuyết trên giảng đường vừa thực hành, thực tập sẽ giúp sinh viên sớm tiếp xúc với những công việc liên quan đến ngành học, từ đó hiểu được những việc bản thân cần làm sau khi tốt nghiệp, thông qua đó xây dựng được cho mình một nền tảng vững chắc về kinh nghiệm làm việc.
Để có cơ hội thực hành từ sớm, các bạn sinh viên có thể sắp xếp kế hoạch học tập và tìm một công việc thực tập phù hợp. Ngoài ra, ngay từ thời điểm chọn ngành, chọn trường; các bạn có thể tham khảo đàn anh, đàn chị để chọn “bến đỗ” lý tưởng, nơi có đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập song song thực hành cho sinh viên.
Hiểu được tầm quan trọng của việc thực hành, thực tập, đặc biệt trong khối ngành liên quan đến sức khoẻ, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã rất chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giáo dục và đào tạo.
Được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo ngành Vật lý Y khoa hệ đại học chính quy, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có những bước đi tiên phong trong việc đầu tư chương trình đào tạo cùng phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên, giảng viên.
Trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) VIE-6030, trong đó đối tác chính là ĐH Nguyễn Tất Thành, IAEA đã tài trợ cho ngành Vật lý Y khoa của Đại học Nguyễn Tất Thành một số thiết bị thực hành chuyên ngành ở cả ba lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh, Y học hạt nhân và Xạ trị. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã đầu tư xây dựng các hệ thiết bị thực hành chuyên ngành hiện đại, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên và đáp ứng nhu cầu của xã hội về chất lượng đào tạo.
Ngoài ra, sinh viên học ngành Vật lý Y khoa tại ĐH Nguyễn Tất Thành còn có cơ hội tham gia thực tập tại các bệnh viện có hợp tác chiến lược với trường, một trong số đó phải kể đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhà trường cũng chú trọng đến việc trang bị các kỹ năng về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm… tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các bạn học tập, nghiên cứu, cập nhật các tài liệu trong nước và quốc tế, dễ dàng hòa nhập với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
Hiện ngành Vật lý Y khoa của trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn đang nhận hồ sơ xét tuyển thông qua nhiều phương thức, trong đó phương thức xét học bạ có thời hạn đến hết 29/8/2022.
Doãn Phong