Là món gỏi được người dân Lào và vùng Isaan của Thái Lan đặc biệt ưa chuộng, Koi Pla làm từ cá sống băm nhỏ, nước cốt chanh, rau thơm và các loại gia vị.
Koi Pla thường được làm bằng cá nước ngọt bắt từ lưu vực sông Mê Kông, thường bị nhiễm giun dẹp ký sinh được gọi là sán sống. Loại ký sinh trùng này có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể gây ung thư ống mật khiến 20.000 người tử vong chỉ riêng ở Thái Lan.
Khi đi vào cơ thể thông qua việc ăn món Koi Pla, sán lá gan sẽ bám vào ống mật gây viêm suốt 30-40 năm, khoảng 10% người trong số đó sẽ bị ung thư.
"Đây là gánh nặng y tế rất lớn. Không ai biết về sự tồn tại của sán lá gan, các bệnh nhân chết một cách lặng lẽ, như lá rụng khỏi cây vậy", Narong Khuntikeo, một bác sĩ phẫu thuật gan tại bệnh viên đại học Khon Kaen ở Thái Lan, chia sẻ với hãng tin Agence France-Presse vào năm 2017.
Tiến sĩ Khuntikeo có cả cha và mẹ đều chết vì ung thư sau thời gian dài ăn Koi Pla. Ông đã dành nhiều năm đi khắp vùng đông bắc Thái Lan cảnh báo với mọi người về mối nguy của món ăn rẻ tiền nhưng gây nên tác hại khôn lường với sức khỏe này.
Tuy nhiên, trên thực tế, món ăn này đã được người dân ở vùng Isaan Thái Lan ăn suốt nhiều năm qua, việc bỏ thói quen này là điều không dễ.
Một số người cho rằng, nấu cá chín rồi băm để làm Koi Pla sẽ phá hỏng hương vị truyền thống. Vì vậy, họ không muốn bỏ cách dùng cá sống như bao đời nay.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cần thử một miếng Koi Pla là đủ để gây ra căn bệnh được gọi là "kẻ giết người thầm lặng", ung thư ống mật. Isaan, tỉnh lớn nhất của Thái Lan, có trường hợp ung thư ống mật được báo cáo cao nhất trên thế giới do sự phổ biến của Koi Pla.
Những bác sĩ như Narong Khuntikeo hy vọng thế hệ trẻ sẽ nhận ra mối nguy hiểm của Koi Pla. Vị bác sĩ này đã tiến hành khảo sát rộng rãi với các nhóm cư dân ở vùng Isaan Thái Lan, kết quả cho thấy có 80% cư dân thuộc diện khảo sát mắc sán lá gan do ăn món này.
Mặc dù, không phải tất cả những người này đều mắc ung thư ống mật nhưng nguy cơ mắc phải căn bệnh này sẽ cao hơn những người không ăn.