Hơn 2 tháng nay, cô giáo Phan Quỳnh Như Trang - giáo viên một trường mầm non tư thục tại Q.12, TP.HCM phải nghỉ việc không lương do trường học đóng cửa. Khoản tiền cuối cùng nhận được kể từ ngày 20/1 khiến cô không đủ để xoay sở cuộc sống.

Từ ngày ly hôn chồng, một mình cô nuôi hai đứa con nhỏ. 

Dù không nỡ phiền đến bố mẹ già ở quê, nhưng không còn cách nào khác, cô Trang phải gửi con lại cho ông bà ngoại ở Nghệ An, vào TP.HCM xin làm giáo viên mầm non.

Nhiều lần thấy con chắt bóp mà vẫn khó xoay sở cuộc sống ở thành phố, bố mẹ khuyên cô nên về nhà, “có gì rau cháo nuôi nhau”. Nhưng cô Trang e dè vì “ở quê người ta hay dị nghị mình là mẹ đơn thân nên cũng khó sống, lên thành phố cũng có nhiều cơ hội hơn”.

Rồi cô khăn gói lên thành phố, xin vào một trường mầm non tư thục tại Q.12. Để tiết kiệm tiền trọ, cô thuê phòng cách trường 10 cây số. Mức lương 5,8 triệu/ tháng được cô chi tiêu chắt bóp cũng vừa đủ tiền sinh hoạt và gửi về quê, tháng nào hết tháng đó.

Những ngày này không đi dạy, cũng không có tiền tiết kiệm, tìm việc làm thêm trong mùa dịch lại khó khăn, thế nên cô cũng chẳng thể cầm cự được lâu. Cũng có lúc, cô nghĩ mình sẽ phải “ra đường” vì không biết cầu cứu ai.

“Kể từ khi trường học đóng cửa, toàn bộ giáo viên không nhận được đồng trợ cấp nào từ nhà trường. Không biết tình trạng này sẽ kéo dài đến bao lâu, trong khi giáo viên rất cần được sống”.

Nhiều đồng nghiệp của cô trước đó đã xin đi chạy bàn ăn, nhưng giờ hàng quán cũng đóng cửa, các cô lại tiếp tục mất việc. 

“Chưa bao giờ giáo viên mầm non lại rơi vào cảnh bi đát đến vậy. Kể cả khi trường học mở cửa trở lại, chúng tôi cũng không biết có bị chấm dứt hợp đồng hay không”.

{keywords}

Mất việc, nhiều giáo viên chuyển sang bán hàng online

Cũng giống như cô Trang, cô giáo Hoàng Minh Tâm bần thần khi nhận được tin sẽ phải nghỉ dạy dài hạn. Là giáo viên trông giữ một nhóm trẻ ở Huế, cô Tâm không kỳ vọng nhiều về việc được chủ trường hỗ trợ tiền trợ cấp như nhiều giáo viên khác ở Hà Nội hay TP.HCM.

“Mình hiểu các cơ sở nhỏ lẻ cũng đang phải xoay sở các chi phí vận hành, tiền thuê mặt bằng,... Họ cũng rất chật vật nên giáo viên cũng không thể đòi hỏi gì vào lúc này”.

Nơi cô Tâm làm việc có 9 giáo viên, mỗi lớp học trông giữ 17-18 trẻ. Mỗi tháng, cô nhận được 3,6 triệu đồng. 

Từ ngày đột ngột mất việc, hai mẹ con xoay sở bằng số tiền tiết kiệm hơn 2 triệu đồng. Đến cuối tháng 3, số tiền ấy cũng đã cạn hết.

Cô Tâm muốn đi tìm một công việc nào đó để làm thêm vì “trông chờ trường mở lại không biết đến bao giờ”, nhưng cậu con trai 4 tuổi mắc chứng tăng động nên người mẹ không thể gửi con cho ai để đi làm. Cô đành ở nhà trồng rau, vừa coi, vừa dạy con trong khoảng thời gian này.

Đồng nghiệp của cô ở trường cũng không khá hơn là mấy, nhưng khi biết hoàn cảnh đã gửi cho bạn vay 500.000 đồng. Cô Tâm hẹn khi nào đi làm, có lương cô sẽ trả lại.

Những tưởng sẽ không thể cầm cự được qua mùa dịch thì đầu tháng 4, cả hai cô cùng biết tới dự án H.A.T (Help A Teacher) do một nhóm những người làm trong lĩnh vực giáo dục và cùng chung mối quan tâm đến giáo dục mầm non tại TP.HCM thành lập.

Mỗi giáo viên khi được H.A.T hỗ trợ sẽ nhận 8,4 triệu đồng (tương đương 2 tháng lương tối thiểu). Món quà đến bất ngờ khiến cô giáo Như Trang bật khóc. Còn với cô Minh Tâm, nó như “một chút ánh sáng mở ra ở phía cuối con đường”.

{keywords}

Sau 48 tiếng phát động, dự án H.A.T đã thu được 39.000 USD với gần 200 hồ sơ xin hỗ trợ từ giáo viên mầm non tư thục.

Là một trong những người đứng ra phát động dự án, chị Nguyễn Đức Thùy Anh (Giám đốc Quỹ học bổng VietSeeds) mong muốn món quà này sẽ phần nào giúp giáo viên vơi bớt đi nỗi lo về những bữa ăn, tiếp thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Đối tượng được H.A.T hướng tới là những giáo viên trong khối mầm non ngoài công lập, trong đó ưu tiên những hoàn cảnh khó khăn, người có con nhỏ, nhà có người bị bệnh hay bố mẹ già, có chồng hay vợ ở trong lực lượng chống dịch...

Dự án này được chị Thùy Anh cùng nhóm bạn lên ý tưởng và thực hiện chỉ trong vòng một tháng. 

“Quả thực đây giống như một dự án cứu hỏa. Khi đại dịch xảy ra, chúng tôi nhìn xung quanh mình đều là những người gặp khó khăn. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi cần làm gì đó ngay lập tức để giúp đỡ các cô giáo mầm non”.

Dự án nhanh chóng thành lập nhóm vận hành gồm 50 thành viên đã lên lịch trình công việc, xây dựng website, fanpage, kêu gọi tài trợ từ các cá nhân, tổ chức. Chỉ sau 5 ngày mở đơn đăng ký, nhóm đã nhận về 1.500 hồ sơ cùng số tiền gây quỹ hơn 1 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn từ ngày 1-17/4, cả nhóm liên tục phỏng vấn từ 8h sáng đến 9h tối để xét duyệt hồ sơ, tìm hiểu và lắng nghe câu chuyện của từng giáo viên.

Tính đến ngày 20/4, H.A.T đã hoàn thành việc xét duyệt đợt 3 và trao món quà tới 177 giáo viên tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. 

“Có nhiều cô giáo đã bật khóc khi nhận được số tiền này. Sau đó, họ chia sẻ lại với chính những người từng phỏng vấn mình về điều đầu tiên họ làm với số tiền ấy. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng xúc động”, chị Thùy Anh nói.

Khi thực hiện ý tưởng, mong đợi của những người làm dự án không phải là “giải cứu giáo viên mầm non” mà còn kỳ vọng, chính từ sự hỗ trợ đó sẽ giúp giáo viên đi qua khó khăn và tiếp tục lan toả sự tử tế bằng cách đóng góp trở lại cho cộng đồng thông qua chương trình “Đáp đến tiếp nối” của dự án.

“Các giáo viên có thể góp sức xây dựng thư viện H.A.T để dành cho trẻ mầm non bằng các clip kể chuyện, hướng dẫn làm đồ chơi đơn giản. Bất kỳ phụ huynh, trường mầm non nào cũng có thể truy cập và sử dụng miễn phí.

Ngoài ra, các cô cũng có thể dạy online cho con em những gia đình có người thân tham gia lực lượng chống dịch”.

{keywords}

{keywords}

Món quà do chính các thầy cô làm để tặng cho con em gia đình có người tham gia phòng, chống dịch.

Nhận được khoản tiền trợ giúp, cô giáo Như Trang nghĩ về những người mẹ đơn thân khác cũng rơi vào hoàn cảnh mất việc, không có đủ tiền mua gạo, mua bỉm cho con. Cô nhận ra mình vẫn còn may mắn khi nhận được sự giúp đỡ.

Vì thế, cô Trang quyết định sẽ xây dựng một chương trình nhằm hỗ trợ các bà mẹ đơn thân đang gặp khó khăn trong cộng đồng.

Kể từ ngày 10/4, cô Trang bắt đầu kêu gọi sự giúp đỡ từ mọi người. Có người góp 20.000, người nhiều hơn góp 100.000 đồng. Những khoản tiền này được cô cùng 3 bà mẹ đơn thân khác trong nhóm gom lại thành các suất hỗ trợ cho những bà mẹ đang gặp khó khăn.

“Khi nhận được từ người khác, mình nghĩ bản thân cần phải trao lại cho cộng đồng”, cô Trang chia sẻ.

Đây cũng là điều được chị Thùy Anh kỳ vọng sau chương trình. “Chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc và xúc động khi những điều tốt đẹp vẫn còn tiếp tục lan toả và tiếp nối. Chúng tôi mong rằng, dù đến một ngày dự án H.A.T kết thúc, nhưng sự tử tế ấy vẫn được lan tỏa, vòng tròn tử tế sẽ tiếp tục nhân rộng lên trong cộng đồng”.

Thúy Nga

Giáo viên mầm non làm đủ nghề "cầm cự" qua những ngày nghỉ dạy

Giáo viên mầm non làm đủ nghề "cầm cự" qua những ngày nghỉ dạy

Đã gần 1 tháng học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh. Nhiều trường tư thục đã thiệt hại vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, kèm theo đó là đội ngũ giáo viên không có việc làm.