Tôi ôm lấy bà mẹ 95 tuổi của mình khi vừa đặt chân về đến Hà Nội sau đúng một năm bươn chải kiếm sống nơi xứ người. Bà cụ thì thào: "Mợ có cái này cho con. Nhưng con hứa phải nhận cho mợ vui".
"Cái gì hả mợ?", tôi tò mò hỏi lại. Mẹ chậm chạp trèo lên căn gác xép, rồi trở lại nắm vật gì đó trong
bàn tay: "Con đưa tay đây".
Tôi xoè tay, mẹ trịnh trọng đặt vào một chiếc nhẫn vàng to với mặt ngọc màu xanh nhạt: "Mợ có 3 chỉ vàng 9999 đánh cho con đấy".
Thấy ánh mắt tôi vẻ ngại ngần. Bà cụ tiếp: "Con giữ lấy như kỷ vật của mợ. Chẳng may mợ có qua đời coi như còn có cái để con giữ làm kỷ niệm, để nhớ đến mợ".
Tôi chợt hiểu, ôm choàng lấy mẹ, hôn lên đôi má nhăn nheo của mẹ, không kìm được nước mắt. Lúc bấy giờ tôi chỉ muốn nói, 7 anh chị em chúng con được mẹ nuôi khôn lớn giờ lại thêm cả đống cháu, chắt, đấy chính là tài sản vô giá, là kỷ vật lớn nhất mợ để lại rồi. Vậy mà nghẹn lời chẳng nói nổi thành câu.
Mẹ nói nhỏ vào tai: "Con đeo nó vào tay và đừng nói cho ai biết nhé. Mợ muốn tặng cho 7 anh chị em con mỗi đứa một cái nhưng mợ chỉ có mỗi cái này. Nói ra sợ chúng nó biết lại bì tỵ, con yêu, con ghét".
Tôi đem khoe cho cả làng biết thế này là đã không nghe lời mẹ. Nhưng tôi tin chẳng có ai trong số 7 anh chị em tôi bì tỵ. Ai cũng sẽ càng thương mẹ hơn vì cả đời chắt chiu vì chồng vì con, ngay cả khi đã ngoài 90. Thậm chí, ai cũng thấy tôi xứng đáng nhận kỷ niệm của mẹ nhất, vì tôi là đứa ở xa mẹ nhất, mãi nửa vòng trái đất.
Tôi mong chiếc nhẫn trên tay mình sẽ mãi chỉ là vật trang sức của mẹ cho, chứ không phải là kỷ vật của mẹ để lại, để mẹ cứ tiếp tục sống khoẻ, sống vui mãi như bây giờ bên con, bên cháu.
Hùng Lý (từ Berlin, Đức)