Quá trình liên hệ và có được bài phỏng vấn với tác giả Monique Brinson Demery cũng có phần giống với quá trình chị tiếp cận Madame Nhu và hoàn thành cuốn sách của mình.
Ra mắt từ giữa năm 2013 nhưng phải 3 năm sau cuốn sách đầu tay của tác giả người Mỹ Monique Brinson Demery - Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng mới thực sự được biết đến và gây sốt tại Việt Nam qua bản dịch của dịch giả Mai Sơn. Nhân dịp cuốn sách được tái bản lại, Zing.vn đã có cuộc phỏng vấn với nữ tác giả về những câu chuyện xoay quanh tác phẩm gây nhiều chú ý của dư luận trong thời gian qua.
- Rất nhiều độc giả sau khi đọc bản tiếng Việt của cuốn sách vẫn thắc mắc: vì sao trong không ít đề tài và nhân vật lịch sử Việt Nam, chị lại chọn theo đuổi một nhân vật mà phải nói là việc khai thác ở mức độ bất khả thi (như chính những gì chị miêu tả trong cuốn sách). Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Tôi nghĩ rằng đó là điều mà người châu Á vẫn hay gọi là cơ duyên. Trước tôi cũng đã có nhiều người viết về bà Nhu nhưng tôi vẫn theo đuổi việc hoàn thành một cuốn sách về bà mà lý do chính là nguyên nhân chủ quan: tôi bị mê hoặc về con người này.
Lịch sử vốn chỉ là "bàn cờ" của những nhân vật nam giới. Nhưng Trần Lệ Xuân với sắc đẹp, sự thông minh, sắc sảo và ý chí kiên cường đã xuất hiện và tạo ảnh hưởng không nhỏ trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của Việt Nam.
- Chị đã có một khoảng thời gian sống và học tập ở Việt Nam. Nhưng trong cuốn sách này không khó để nhận ra 1 điểm: các tư liệu sử dụng đều là tư liệu tiếng Anh, không dùng tư liệu tiếng Việt. Chị có thể lý giải chuyện này?
- Giai đoạn tốt nghiệp cấp 3, khi đang sống tại Boston, tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều về bà Nhu. Tôi đã dành hàng ngày liền trong Viện lưu trữ Quốc gia Mỹ để tìm đọc tài liệu về bà. Có rất ít tài liệu tiếng Việt tại đây, nhất là những thông tin về bà Nhu và thời kỳ ông Diệm tại vị. Vì thế ngay từ đầu, khi bắt đầu thực hiện cuốn sách tôi đã dựa vào khối tư liệu tiếng Anh hoặc Pháp chứ không sử dụng tư liệu tiếng Việt.
Ngoài ra, thú thực là vốn tiếng Việt của tôi không nhiều, lại rơi rụng nhiều sau một thời gian học ở Việt Nam và trở về Mỹ khiến việc tìm kiếm và sử dụng nguồn tư liệu này cũng không được hiệu quả.
- Trong cuốn sách, chị mô tả rằng mình đã có lúc tưởng chừng gặp được bà Nhu rồi nhưng cuối cùng vẫn không được. Thực sự, thì chị có nghĩ rằng bà ấy chảnh quá? Hay có lý do nào khác?
- Tôi đã rất mong được gặp bà Trần Lệ Xuân để được nhìn ngắm người phụ nữ kỳ lạ ấy ở tuổi xế chiều. Và không gặp được bà là một trong những điều tiếc nuối nhất trong cuộc đời tôi.
Nhưng tôi nghĩ rằng việc ba lần bảy lượt bà ấy hẹn rồi lại không xuất hiện là một điều dễ hiểu với tính cách một con người như Trần Lệ Xuân. Tôi nghĩ bà muốn tôi và xa hơn là mọi người nhớ đến mình là Trần Lệ Xuân của năm 1963, khi bà đang ở đỉnh cao sắc đẹp và sự nghiệp hơn là để người khác biết hình ảnh của mình khi đã ở bên kia con dốc cuộc đời.
Tác giả người Mỹ Monique Brinson Demery và cuốn sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng. |
- Cuốn sách này có nhiều chi tiết, có nhiều hướng tiếp cận nhân vật chính. Nhưng thực ra tôi cảm thấy có vẻ như chị đang mô tả một bà Nhu là người mẹ hơn là một quý bà (madame). Có phải vậy không?
- Đúng. Tôi đã tìm cách khai thác hình tượng của bà khác với những gì người ta từng viết. Vì ngoài hình ảnh là một người đàn bà quyền lực và tài năng, bà Nhu cũng chỉ là một người vợ, người mẹ như bao người phụ nữ Việt Nam khác. Tôi tin rằng nếu mình bóc tách được những vai trò này của bà ấy, người đọc sẽ nhìn nhận về bà Trần Lệ Xuân công bằng hơn.
- Một bộ phận độc giả tự chọn câu trả lời: chị chọn cách không khai thác và công bố bản hồi ký của bà Nhu. Nhưng một bộ phận khác vẫn đặt câu hỏi: chị có định công bố tư liệu hồi ký đó? Câu hỏi đó xuất phát từ sự tò mò: bà ấy viết gì? Bao nhiêu phần trăm những gì chị chia sẻ khai thác từ cuốn nhật ký và quan trọng hơn là những chi tiết chị viết cuối cuốn sách về nhân vật H. Chị có thể chia sẻ một quyết định của cá nhân mình ít nhất ở thời điểm này về tư liệu hồi ký bài Nhu mà mình được bà tin tưởng gửi gắm? Chị sẽ công bố một ngày nào đó hay… không bao giờ?
- Thực ra, tới thời điểm này, ai muốn tiếp cận có thể tìm đọc cuốn hồi ký đó. Năm 2013, các con của bà Trần Lệ Xuân đã phát hành tự truyện của bà tại Pháp với tựa đề La Respublique du Vietnam et les Ngo-Dinh do cây viết Jacqueline Willemetz chấp bút. Cuốn sách này đã khai thác rất nhiều về cuốn nhật ký của bà Lệ Xuân.
- Tôi tin rằng một trong những lý do khiến cuốn sách của chị gây “sốt” với độc giả Việt Nam sau khi được chuyển ngữ là về cách viết. Có nhà văn ở Việt Nam nói với tôi rằng cách chị viết giống kịch bản 1 bộ phim tiểu sử phong cách Hollywood nên ai đọc cũng thấy cuốn hút. Tại sao chị chọn cách triển khai nội dung như vậy?
- Tôi biết cách viết của mình không hề truyền thống, nhưng từ đầu tôi đã xác định đối tượng độc giả của cuốn sách này sẽ không phải là những chuyên gia hay nhà nghiên cứu. Cuốn sách dành cho những độc giả đại chúng, những người yêu thích lịch sử và không quá quan tâm đến chính trị hay chiến tranh. Cuộc đời bà Nhu có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng hơn bất kỳ người phụ nữ nào. Tôi hình dung cuốn sách này là cỗ máy thời gian đưa người đọc quay ngược lại thế kỷ 20, khi vẫn còn những đồn điền thuộc địa, khi vẫn còn chiến tranh và bất bình đẳng giới tính. Từ đó họ sẽ được trải qua một hành trình về cuộc đời và Trần Lệ Xuân hòa vời hành trình mà tôi đi tìm bà.
Tác giả Monique Brinson Demery sống ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ. Cô tốt nghiệp Đại học Hobart và William Smith, sau đó lấy bằng Thạc sĩ về Đông Á học tại Đại học Harvard vào năm 2003. Năm 1997, Monique Brinson Demery có dịp tham gia khóa học tại Hà Nội trong chương trình du học của Đại học Hobart và William Smith. Cuộc phỏng vấn đầu tiên của Demery với bà Trần Lệ Xuân diễn ra vào năm 2005. Đây cũng là lần đầu tiên bà Nhu tiếp xúc lại với báo chí phương Tây sau gần 20 năm im lặng trước dư luận. |
Theo Zing