Nhận diện các khó khăn trong vấn đề tâm lý học đường hiện nay, TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP Hà Nội chia sẻ:
“Những diễn biến, áp lực tâm lý mà hiện nay người ta nói nhiều rằng ảnh hưởng sau dịch Covid-19, tôi cho chỉ là nhất thời mà thôi. Còn tuổi học trò thì lúc nào, thời kỳ nào cũng đều gặp những áp lực, vấn đề là chúng ta phát hiện, nhìn nhận và giải quyết áp lực đó như thế nào”.
TS Nguyễn Thanh Sơn cũng chỉ ra những áp lực mà học sinh hiện nay gặp phải.
Trước hết, theo ông, áp lực tâm lý lớn nhất mà các học sinh hiện nay gặp phải đến từ phía gia đình. Áp lực này đến từ mong muốn tốt đẹp khi cha mẹ nào cũng mong con mình khôn lớn, giỏi giang.
“Không chỉ phải giỏi một môn mà phải học giỏi nhiều môn. Nhiều bố mẹ hiện nay không hiểu về con minh. Cần nhìn vào năng lực, khả năng của con để đặt ra mong muốn, kỳ vọng; chứ không phải miễn xã hội như thế là mong con phải được như vậy”.
Thứ hai là áp lực đến từ phía nhà trường. “Đây cũng là một áp lực rất bình thường. Bởi nhà trường nào cũng đều mong muốn, đòi hỏi học sinh đạt tới những quy chuẩn của mình như ngoan, giỏi, sạch sẽ,...
Các em học sinh phải phấn đấu đạt được những chuẩn mực đó cũng là vấn đề, thậm chí đôi khi mâu thuẫn với mong muốn cá nhân”.
Với áp lực này, theo ông Trung, các em học sinh phải tự mình điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của nhà trường.
Áp lực thứ ba đến từ chính bạn bè.
“Bạn cùng lớp, cùng trường, hay bạn cùng khu phố. Nhưng các em luôn nhìn thấy các bạn có những điểm hơn mình như học giỏi hơn, điều kiện sống của gia đình bạn khá hơn,... đây cũng là những áp lực.
Áp lực thứ tư đến từ cuộc sống. Đó là các em có quá nhiều nguồn thông tin trong một ngày.
“Các em phải đối mặt với nhiều ham thú, cuốn hút, đặc biệt là những trò chơi công nghệ, những vấn đề trong xã hội... Thắng được chính mình, vượt qua những cám dỗ đó cũng là điều không dễ”.
Một áp lực nữa đến từ chính bản thân các em.
“Trước đây, học sinh và tất cả mọi người đều phải vượt khó, vươn lên để thành công. Nhưng do hiện nay khi cuộc sống khá giả hơn, có một bộ phận trong xã hội là các gia đình có điều kiện sống rất cao. Như vậy có một bộ phận học sinh giờ đây phải... “vượt sướng” để thành công. Mà vượt sướng có khi khó hơn cả vượt khó. Bởi khi đã sướng rồi, quá đầy đủ rồi thì không còn thấy có động lực gì để mà phấn đấu. Như vậy thắng được áp lực tâm lý lại càng khó hơn”.
Do đó, ông Trung cho hay, các em học sinh cần bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề một cách đầy đủ, để xem xét mình đang bị áp lực này đến từ phía nào, và biết cách giải quyết áp lực đó ra sao.
“Nếu áp lực đến từ phụ huynh, thì tại sao các em không mạnh dạn chia sẻ với chính phụ huynh về những vấn đề gặp phải. Phụ huynh hiện nay đều là những người được học hành, có trình độ, thậm chí là trí thức cao. Các em cứ mạnh dạn trình bày nguyện vọng, ý muốn của mình, có thể đúng, có thể chưa đúng, nhưng bố mẹ sẽ là người nghe tiếng nói của các em và điều chỉnh. Nói một lần chưa được thì nói hai lần, ba lần”, ông Trung nhấn mạnh.
Ông Trung cũng rất mong các bậc phụ huynh cần có nhìn nhận đúng hơn về khả năng của con và mong muốn của cá nhân của mình, để có những điều chỉnh phù hợp.
“Mặt khác, các nhà trường giờ đây cũng rất “mở”, thầy cô giáo cũng gần gũi với học sinh. Các em có thể tìm đến trong số các thầy cô giáo đang dạy mình, người mà các em thấy gần gũi để tâm sự, chia sẻ. Các em cần không sợ sai, nói ra suy nghĩ của mình thì thầy cô mới biết, mới căn chỉnh và hướng cho các em đến những cái tốt. Tôi tin rằng, không một phụ huynh, thầy cô nào lại chỉ cho con mình, học trò mình làm những việc sai trái”.
Thanh Hùng