Cửa sổ nhà Việt Hà mở ra sân của đại chủng viện, cũng là lần đầu tiên tôi nghe được rõ dàn đồng ca của toà tổng cất lên những bản thánh ca tuyệt vời đến thế.


Nếu nhà thờ Lớn Hà Nội làm bằng bêtông cốt thép, cửa lùa nhôm kính, mái lợp tôn thì người ta không đi du lịch Hà Nội nữa. Các loại tôn sóng xanh đỏ ngày càng phát triển mạnh mẽ nhưng khó có thể nói là đẹp. Nhà Hát Lớn ở Sài Gòn và Hải Phòng thay mái đá bằng mái tôn là những dẫn chứng. Tất nhiên chất liệu không có tội. Kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa, Mr. Pei làm kim tự tháp bằng khung thép và kính giữa sân bảo tàng Louvre cổ kính nhưng vẫn đẹp. Khái niệm công trình kiến trúc mới phải hoà nhập với môi trường xung quanh trong trường hợp này trở nên vô nghĩa.


Nhà thờ đá Đức Bà (Sài Gòn).

Cảm giác về chất liệu là điều tối quan trọng, chẳng biết có học được cảm giác hay không vì nó thuộc bẩm sinh, năng khiếu.

Cũng có thể gọi là Tạng chất liệu. Bùi Xuân Phái đủ tài để hiểu rằng mình không nên vẽ phố Hà Nội bằng màu nước trên lụa.

Nếu tất cả các nhà thờ ở Việt Nam đều giống nhau như đúc thì người ta cũng sẽ không đi du lịch nữa. Nghĩa vụ của nghệ thuật là phải tạo ra những điều khác biệt. Nguyễn Du vĩ đại vì ông là người đầu tiên cắt trăng.

Nhà thờ Lớn (Hà Nội).

Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.

Nhà thờ Lớn Hà Nội có vẻ là nhà thờ Đức Bà Paris thu nhỏ; nhà thờ Cửa Bắc – một tác phẩm kiến trúc tiêu biểu cho phong cách Đông Dương, do KTS Ernest Hebrard (1875 – 1933) thiết kế; nhà thờ Đức Bà Sài Gòn; nhà thờ ở Nghĩa Lộ (Yên Bái); nhà thờ gỗ ở KomTum (Tây Nguyên); nhà thờ Camly (Đà Lạt).

Không thể không nhắc đến một công trình kiệt xuất, một di sản: Nhà thờ chính toà Phát Diệm (huyện Kim Sơn – Ninh Bình). Đây là một tác phẩm kiến trúc độc đáo, một dẫn chứng hay nhất khi nói đến sự giao lưu giữa nghệ thuật Việt với các nền nghệ thuật bên ngoài. Đây là nhà thờ của người Việt. Tất cả các thành phần tạo nên tác phẩm này hoà quện vào nhau, nhoè lẫn trong nhau, ngọt ngào và tinh tế. Nhà thờ công giáo hay là đình? Thánh đường hay là lễ hội?

Tâm linh và đời sống, gỗ và đá quấn quýt với nhau. Cái vốn là của mình cộng với cái thêm vào để thành cái sẽ là. Chẳng có gì có thể nối cái cao cả và cái đời thường đẹp hơn như thế. Cây thập tự của Chúa quện nhuyễn với những đường diềm chữ vạn của Phật đầy tràn hỉ xả. Đất lành chim đậu, mọi tôn giáo đến và ở lại Việt Nam an lành, thanh bình một cách rất tự nhiên.

Tất cả mọi con đường đều hướng tới một cái đích cao cả là sự thánh thiện. Đấng tối cao Jesus hay Đức Thích Ca, khái niệm đạo của Lão Tử hay thái cực của Dịch học suy cho đến tận cùng cũng chỉ là như nhất, là cái khởi nguyên, cái ban đầu. Hoặc nói cách khác đó là sự hoá thân của đấng Một thành nhiều để phù hợp với các vùng văn hoá khác nhau, con người khác nhau, yếu tố địa lý và hoàn cảnh lịch sử khác nhau.

Triết học – Tôn giáo – Nghệ thuật – Kiến trúc, yếu tố nào là chính tạo nên những phố – người đặc quánh xung quanh các nhà thờ vào đêm Noel? Chắc hẳn không chỉ là riêng yếu tố tín ngưỡng. Tôn giáo nào đi chăng nữa muốn tồn tại được mấy ngàn năm như vậy là vì cái đạo đó đã đời hoá bằng những lễ hội, phong tục, tập quán, thói quen, văn hoá. Con thuyền nghệ thuật đã chở giáo lý của kinh thánh đi xa và đến với số đông. Cái đẹp cũng làm được khá nhiều việc. Kiến trúc nhà thờ, những bản thánh ca, bích hoạ trên trần của những giáo đường, tranh kính màu cửa sổ...

Một kỷ niệm nhỏ, cách đây mươi năm, lần đầu tiên tôi được dự một bữa cỗ mừng ngày Chúa Giáng sinh ở nhà của nhà văn Nguyễn Việt Hà, anh này là tác giả của tiểu thuyết Cơ hội của Chúa. Hà là bạn và cũng là hàng xóm. Tối hôm đó, tôi đi bộ từ nhà len qua “một dòng sông người” băng ngang qua nhà thờ lớn sang nhà Việt Hà. Chỉ khoảng hơn trăm mét mà đi mất cả tiếng đồng hồ.

Tôi thấy Việt Hà mặt mũi nghiêm trọng hơn ngày thường, từ cách làm dấu, từ cách mở rượu, anh bảo: Bên mình chỉ có ngày này là lễ to nhất, chứ không phải tết như bên cậu. Bữa đó ăn gì tôi không còn nhớ nữa, chỉ nhớ có rượu vang đỏ uống trong ánh sáng nến và lạnh, noel năm đó cực lạnh. Cho dù ánh sáng của lửa nến, những cây nến đại màu đỏ đã làm căn phòng ấm lên nhiều. Tôi không hiểu nhiều về công giáo, cho dù Hà với tôi như một người truyền đạo mẫn cán nhưng đêm đó tôi mới cảm thấy rõ nhất vẻ đẹp của Giáng sinh, của Chúa, của đạo.

Cửa sổ nhà Việt Hà mở ra sân của đại chủng viện, cũng là lần đầu tiên tôi nghe được rõ dàn đồng ca của toà tổng cất lên những bản thánh ca tuyệt vời đến thế. Sự gần gũi, trực tiếp và lan toả của dàn đồng ca mấy trăm người dưới đũa chỉ huy của trưởng ca đoàn tạo ra một xúc cảm thật đặc biệt.

Đâu chỉ có Chúa Giáng sinh đêm đó, ngay cả chúng tôi cũng thấy mình được sinh, được sống, được sinh lại và thật bất ngờ, với cái đẹp thì chẳng có biên giới nào có nghĩa, đạo hay đời, lương hay giáo… những bản thánh ca cuối cùng của đêm Giáng sinh năm đó lại là một bản tình ca bất hủ: Và con tim đã vui trở lại của Đức Huy cùng với Bài thánh ca buồn của Nguyễn Vũ .

Tôi rời nhà Việt Hà, chia tay đêm Giáng sinh, chợt nghĩ có lẽ yêu cũng là đạo, yêu cũng là “ơn”, là “dâng” là “mừng” là “cứu rỗi”, tình ca cũng là thánh ca bất tận của những kẻ yêu nhau trên cõi đời này. “Bài thánh ca đó còn nhớ không em, noel năm nào chúng mình có nhau…” hoặc “và niềm tin đã dâng về người”.

Các nghệ sĩ bậc thầy thế giới đều có những tác phẩm để đời lấy cảm hứng từ thiên Chúa giáo, từ Michelangelo đến M.Chagall trong hội hoạ, J.S. Bach trong âm nhạc, Tadao Ando & Frank Gehry trong kiến trúc. Đấy là chưa kể một chút lạnh, một chút yêu đương, giai điệu mượt mà của bản Ave Maria, tiếng kinh cầu và những hồi chuông nửa đêm. Tất cả những một chút đó sẽ tạo thành cái ảo giác đầy mộng mị, nó giúp cho mỗi người có sức mạnh để làm được thêm dù chỉ là một chút gì đó tốt cho nhau, nghĩ đến nhau nhiều hơn và trở nên người hơn một chút.

Lê Thiết Cương (Theo SGTT)