Ớt được mùa, nông dân rớt nước mắt

Vào tầm này năm ngoái, người nông dân ở thủ phủ ớt Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) có thể thu tới 30-40 triệu đồng cho mỗi sào ớt. Còn năm nay, dưới cái nắng đổ lửa, ớt chín đỏ rực ngoài ruộng nhưng chẳng ai buồn thu hái khi giá rớt thảm còn 4.000 đồng/kg.

Tại xã Tượng Sơn, ớt được xem là cây trồng chủ lực. Năm nay, những tưởng nông dân nơi đây sẽ có vụ thắng lợi lớn khi ớt được mùa. Thế nhưng, vào mùa thu hoạch, thương lái không thu mua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Chưa năm nào ớt rẻ như năm nay. Giờ nhìn ớt chín đỏ ngoài ruộng mà rơi nước mắt. Không hái cũng tiếc công tiếc của, còn hái về lại không có người mua”, ông Hảo - hộ dân trồng ớt tại Tượng Sơn - buồn rầu nói.

Tại Quảng Ngãi, giá ớt cũng chẳng khá khẩm hơn. Trung Quốc ngưng nhập khẩu khiến ớt liên tục hạ giá từ 30.000 đồng/kg đầu mùa xuống còn 4.000 đồng/kg khiến hàng ngàn hộ nông dân ở huyện Tư Nghĩa của tỉnh này lao đao.

{keywords}
Ớt đang vào vụ thu hoạch nhưng giá rớt thê thảm do Trung Quốc ngừng mua (ảnh: Zing)

Ông Đỗ Thiết Khiêm - Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, 400 ha ớt trong giai đoạn chín rộ nhưng thương lái Trung Quốc ngừng mua loại nông sản này. Chưa kể, năm nay diện tích ớt tăng, cộng với được mùa khiến cung vượt cầu, giá giảm mạnh.

Thời điểm đầu tháng 4 năm nay, ở thủ phủ ớt Phù Mỹ (Bình Định), người dân cũng buồn thê thảm khi giá ớt giảm còn 3.500 đồng/kg mà không có người mua.

Tại huyện này, trước Tết Nguyên đán giá ớt tăng cao kỷ lục lên tới 150.000 đồng/kg, thương lái tranh nhau mua, người nông dân hái không kịp bán. Còn bây giờ, ớt chín đỏ ruộng, hàng ê hề nhưng ế ẩm. Thế nên, giá ớt lao dốc do cung vượt cầu.

Tương tự, tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) - vựa ớt lớn nhất miền Tây giá ớt chỉ thiên tháng 10/2020 đến tháng 1/2021 ở mức cao ngất ngưởng 100.000 đồng/kg. Song, từ sau Tết mặt hàng này bắt đầu rớt giá dần. Từ lãi cao đến hoà gốc và giờ đây là lỗ nặng.

Vẫn quen “trồng theo phong trào, chặt theo thị trường”

Ớt rớt giá thảm không còn là chuyện mới mà lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Không chỉ các chuyên gia trong ngành mà chính quyền địa phương tại các thủ phủ ớt ở cũng thừa nhận, quả ớt phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khi họ “ăn hàng”, giá ớt thường tăng dựng ngược, còn lúc họ ngừng mua giá lao dốc không phanh.

Trong khi, người nông dân mỗi khi thấy giá ớt tăng cao lại đua nhau trồng, phá vỡ quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu, giá lại rớt thảm hơn.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho hay đã khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích trồng ớt. Bởi, việc đầu tư trồng ớt khắp nơi mang tính may rủi, không tuân thủ quy hoạch khiến cho bà con nông dân lâm cảnh "được mùa, mất giá", kém hiệu quả kinh tế. Thế nhưng, vụ vừa rồi, diện tích trồng ớt tại các địa phương thuộc tỉnh này vẫn tăng mạnh. Hậu quả, giá ớt giảm còn 10.000 đồng/3kg vẫn không có người mua.

{keywords}
Không chỉ với cây ớt mà bất kỳ loại nông sản loài cũng vậy, cây phải trồng theo tín hiệu thị trường để tránh cảnh được mùa rớt giá (ảnh: Zing)

Cũng chính vì thói quen “trồng theo phong trào, chặt theo thị trường” nên điệp khúc được mùa rớt giá vẫn cứ diễn ra. Theo chuyên gia trong ngành, người nông dân cần phải thay đổi thói quen này, phải làm hàng theo tín hiệu thị trường theo các mô hình liên kết để đầu ra ổn định hơn, không còn cảnh thừa cung dẫn đến giá giảm.

Đề cập tới câu chuyện tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng khâu cốt yếu là cần nắm bắt thông tin về sản xuất và tiêu thụ chứ không phải chờ đến lúc rộ vụ rồi, dư thừa rồi mới ra quân thì đã muộn.

Theo ông, mỗi Sở NN-PTNT địa phương cần xác định trách nhiệm của ngành nông nghiệp không chỉ là giúp bà con sản xuất sản lượng nhiều mà còn nắm bắt được thông tin về thị trường. Phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, làm sao kết nối được thị trường.

“Nếu không kết nối được thị trường trong nước và thị trường nước ngoài thì chúng ta sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản”, ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề cập tới câu chuyện thiết lập hệ thống chuyển đổi số để nắm bắt được thông tin thị trường giữa các HTX với các đơn vị phân phối. Theo ông, thời gian tới, Bộ này sẽ xây dựng kho dữ liệu, cập nhật thường xuyên thông tin để các hệ thống phân phối biết rằng ở tỉnh đó đang chuẩn bị thu hoạch lượng nông sản lớn. Có như vậy các hệ thống phân phối này mới chủ động được kho bãi, vận chuyển.

Tâm An