Tại Hội nghị công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện do Bộ Nội vụ tổ chức vào cuối tuần rồi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có bài phát biểu đáng chú ý về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với cơ quan ngôn luận thuộc hội, quỹ.

Đánh đổi uy tín, đạo đức nghề nghiệp để lấy “hợp đồng truyền thông”

Theo ông Hiếu, trong những năm qua, cơ quan báo, tạp chí thuộc các tổ chức hội đã có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí, nhất là tạp chí còn tồn tại những bất cập, hạn chế, khuyết điểm, có một số biểu hiện chưa thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động báo chí.

Cụ thể như thông tin chưa bám sát tôn chỉ, mục đích, thiếu nhạy cảm chính trị, chưa chính xác; thông tin nặng về điều tra, phản ánh các biểu hiện tiêu cực, mặt trái xã hội, mà chưa quan tâm đúng mức tới thông tin, tuyên truyền điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Một số tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng hàm lượng thông tin khoa học ít.

Bên cạnh đó, công tác quản lý phóng viên, nhất là phóng viên thường trú, văn phòng đại diện còn lỏng lẻo, bất cập… Cơ quan chủ quản báo chí chưa thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí.

Vì vậy, việc tăng cường quản lý đối với cơ quan báo chí thuộc hội hết sức cần thiết, đóng vai trò quan trọng đối với công tác quản lý báo chí nói chung. 

Nhiều cơ quan chủ quản còn khoán trắng, phó mặc cho cơ quan báo chí tự hoạt động, không kiểm tra, giám sát sinh hoạt Đảng. Ảnh minh họa

Tính đến 1/7/2022, cả nước có 585 tổ chức hội ở Trung ương; trong số đó có 276 tổ chức hội là cơ quan chủ quản của 12 báo và 298 tạp chí, chiếm khoảng 37% tổng số cơ quan báo chí toàn quốc.

Phó cục trưởng Cục Báo chí cho biết, vẫn còn nhiều tồn tại xảy ra ở các cơ quan chủ quản là các tổ chức hội, chủ yếu thuộc khối tổ chức xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Cụ thể như cơ quan chủ quản chưa nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm; chưa coi trọng, quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát cơ quan báo chí trực thuộc. Một số cơ quan chủ quản buông lỏng chỉ đạo, lãnh đạo, dẫn đến cơ quan báo chí có nhiều sai phạm, không được chấn chỉnh, xử lý kịp thời; không quan tâm, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động.

Nhiều cơ quan chủ quản báo chí không quan tâm tới kinh phí hoạt động, điều kiện tài chính, cơ sở vật chất của cơ quan báo chí, không giao nhiệm vụ kết hợp với tạo nguồn để cơ quan báo chí có thu nhập chính đáng. Thậm chí, có một số tổ chức hội, viện thuộc hội yêu cầu cơ quan báo chí trực thuộc có những đóng góp tài chính bằng các hình thức khác nhau cho hoạt động của cơ quan chủ quản.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cơ quan báo chí phải “xé rào”, làm sai tôn chỉ mục đích, đánh đổi uy tín, đạo đức nghề nghiệp để lấy doanh thu từ những “hợp đồng truyền thông” hoặc thông qua việc sách nhiễu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Việc xử lý trách nhiệm khi các cơ quan báo chí mắc sai phạm chưa được các cơ quan chủ quản thực hiện một cách nghiêm túc, thậm chí có hiện tượng đùn đẩy việc xử lý cho cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí. Nhiều cơ quan chủ quản còn khoán trắng, phó mặc cho cơ quan báo chí tự hoạt động, không kiểm tra, giám sát sinh hoạt Đảng.

Cá biệt, có một số cơ quan chủ quản đã can thiệp trái quy định vào hoạt động của cơ quan báo chí, cử người quyết định nội dung báo chí, quyết định nhân sự không theo quy chế...

Một số cơ quan báo chí có những vi phạm nghiêm trọng, đã được nhắc nhở, phê bình, đề nghị cơ quan chủ quản làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân liên quan nhưng cơ quan chủ quản không tích cực chấn chỉnh, xử lý kỷ luật hoặc xử lý không nghiêm.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí của một số cơ quan chủ quản thực hiện chưa chặt chẽ; vẫn còn tình trạng cơ quan chủ quản đề xuất, dự kiến bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cơ quan báo chí chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện; bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí khi chưa thỏa thuận với cơ quan chỉ đạo, quản lý…

Một số cơ quan chủ quản vẫn để xảy ra tình trạng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, xu hướng “thương mại hóa” chậm được khắc phục.

Chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng 

Bộ TT-TT đã ban hành nhiều văn bản chỉ rõ biểu hiện trong hoạt động báo chí không đảm bảo quy định, lợi dụng danh nghĩa báo chí sách nhiễu và đưa ra các biện pháp chấn chỉnh đối với cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí .

Sau khi ban hành, các văn bản này đã có ảnh hưởng, tác động sâu rộng đến đời sống báo chí, giúp cơ quan hành chính địa phương nói riêng, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nói chung nhận biết những biểu hiện sách nhiễu, thiếu chuẩn mực của một bộ phận nhà báo, phóng viên lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi. Đây là căn cứ, cơ sở để tiếp xúc, làm việc, cung cấp thông tin cho báo chí đúng pháp luật.

Đáng chú ý là ngày 22/7 vừa qua, Bộ TT-TT đã ban hành Tiêu chí nhận diện "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa" mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí.

Bộ tiêu chí nhận diện giúp cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí, truyền thông theo kịp sự phát triển của truyền thông hiện đại…

Bộ TT-TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên theo dõi, giám sát, nhắc nhở, chấn chỉnh, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí trong hoạt động báo chí, đặc biệt đối với việc thực hiện tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép được cấp.

Từ 2019 đến ngày 1/7, Bộ TT-TT tiến hành 16 cuộc thanh tra, 12 cuộc kiểm tra và nhiều cuộc làm việc để chấn chỉnh, xử lý biểu hiện "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử, "báo hóa" mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí.

Bộ đã ban hành 84 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn gần 2,83 tỷ đồng; trong đó, 24 trường hợp vi phạm thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích.

Ngoài việc phạt tiền, Bộ còn bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn (đình bản) với một số báo tạp chí: Báo điện tử Người tiêu dùng 3 tháng (năm 2019); Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam 2 tháng (năm 2019); Tạp chí Môi trường và Xã hội 2 tháng (năm 2020); Tạp chí Tri thức Xanh 4 tháng (năm 2021); Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam 3 tháng (năm 2022).

Từ tháng 4/2022 đến nay, việc triển khai thực hiện Kế hoạch đã hoàn thành giai đoạn 1 đối với 10 cơ quan báo chí, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 616 triệu đồng.

Trong đó, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam 3 tháng; 4 cơ quan báo chí dừng hoạt động 5 chuyên trang để rà soát, chấn chỉnh hoạt động; 4 cơ quan báo chí chấm dứt hoạt động liên quan đến việc liên kết sản xuất nội dung, chấm dứt việc cho đơn vị hợp tác, trang thông tin điện tử tổng hợp dẫn lại tin, bài.