Mới đây, TS. Nguyễn Cảnh Hiệp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được trong việc phát triển tài khoản thanh toán cá nhân giai đoạn 2020 - 2021 đã đề xuất một số nội dung cần thực hiện nhằm mở rộng hơn nữa số lượng tài khoản cá nhân tại các ngân hàng, hướng tới đạt được mục tiêu về phổ cập dịch vụ thanh toán cho người dân mà Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã đặt ra. 
 
Ông Hiệp phân tích, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030, mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược cũng đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp khác nhau mà trong đó, các giải pháp gắn với ứng dụng công nghệ hiện đại được chú trọng thực hiện, như: Cho phép áp dụng quy trình nhận biết khách hàng đơn giản và gián tiếp từ xa bằng phương thức điện tử trực tuyến (e-KYC) đối với việc mở tài khoản; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là những sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số; đẩy mạnh thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030, mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

Với việc Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 02/2019/TT-NHNN bãi bỏ điều kiện về tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong việc mở tài khoản thanh toán đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, hành lang pháp lý hiện nay hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu tiến tới mọi người trưởng thành đều có thể có tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán mà không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của cá nhân. Đồng thời, với các nội dung được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 16/2020/TT-NHNN có thể thấy, các quy định hiện hành của NHNN về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các ngân hàng đã bám sát quan điểm và giải pháp được đề ra tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đặc biệt là quy định về việc mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử. 
 
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu về phổ cập dịch vụ thanh toán cho người dân, thì việc triển khai thực hiện các giải pháp được đề ra tại Chiến lược tài chính quốc gia cần có sự nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng. Theo đó, bên cạnh việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định nội bộ về việc mở và quản lý tài khoản thanh toán của cá nhân để có thể phòng ngừa được các rủi ro phát sinh, các ngân hàng cần tiếp tục xem xét thực hiện một số giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán cá nhân, như: 
 
- Xem xét tiếp tục giảm hoặc miễn các loại phí liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của cá nhân (phí mở tài khoản, phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền…). 
 
- Bố trí thêm thiết bị giao dịch tại các địa bàn có điều kiện khó khăn cùng với việc mở rộng lắp đặt các máy giao dịch ngân hàng tự động hoặc máy rút tiền có chức năng gửi tiền để thuận tiện cho người dân khi có nhu cầu nộp tiền vào tài khoản và thực hiện các giao dịch thanh toán.
 
- Đa dạng hóa tiện ích và đơn giản hóa giao diện của các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại thông minh để thu hút nhiều khách hàng sử dụng các ứng dụng này trong việc mở tài khoản, nộp tiền, rút tiền hoặc chuyển tiền.
 
- Mở rộng liên kết và miễn hoặc giảm phí giao dịch tại máy rút tiền tự động của ngân hàng ngoài hệ thống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng của các ngân hàng được sử dụng máy rút tiền tự động của ngân hàng khác để giao dịch.

Bạch Hân (tóm lược), Hồng Hạnh, Thảo Hiền