- Nhà nghiên cứu văn hóa- mỹ thuật cổ Việt Nam và sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn lại vừa ra mắt cuốn sách thứ tư trong bộ sách nghiên cứu- khảo cứu và sưu tầm cổ vật thời Nguyễn mang tên “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945”. Một thuở nhung gấm lụa là lộng lẫy như được hồi sinh.
“Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945” đã được ông “nắn nót”, công phu, sắp xếp để giới thiệu với công chúng thưởng ngoạn những nhung gấm lụa là vàng son một thuở trong cung đình triều Nguyễn.
- Điều gì làm cho ông có hứng thú với mũ áo nhung gấm lụa là Đại lễ phục triều Nguyễn?
Trong gia đình cúng tôi đến nay vẫn may mắn giữ được một số mũ áo của tổ tiên để lại. Sau khi công bố các nghiên cứu về đồ sứ ký kiểu thời Lê - Nguyễn, tôi bắt đầu tìm hiểu về đề tài phẩm phục, lễ phục. Rất may khi làm đề tài này chúng tôi đã nhận được tài liệu quý, là bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, vẽ lại toàn bộ phẩm phục của vua, quan, binh lính dưới triều vua Thành Thái. Chính điều này làm chúng tôi phấn khởi để hoàn thành tập sách “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945”
- Ông có ý kiến gì khi hiện vật trong bảo tàng (cả hiện vật gốc và phục chế) vẫn rất thiếu, và việc phục trang triều Nguyễn trong phim lịch sử VN vừa sai vừa không đúng phép tắc quy củ...?
Hiện nay trong các bảo tàng công lập lớn ở Hà Nội, Huế, TP.HCM, bộ sưu tập về phẩm phục, triều phục còn nhiều thiếu sót, không được hoàn chỉnh. Sở dĩ như vậy ngoài nhiều nhân khách quan như chiến tranh, thiên tai… thì còn các nguyên nhân chủ quan khác. Vì đây là các hiện vật làm bằng tơ lụa, nên rất khó bảo quản trong thời gian dài. Ngoài ra còn do tập tục đốt bỏ vật dùng thân thiết của ông bà để lại sau khi mất, khiến cho công việc sưu tập rất khó được hoàn thiện và đầy đủ.
Vì thiếu các vật phẩm gốc làm tiêu bản, các tài liệu miêu tả lại viết bằng Hán văn, ít người tiếp cận được, do đó dẫn đến sự sai lạc như chúng ta thấy lâu nay.
- Huế đang phục dựng một số nghi lễ thời Nguyễn. Theo ông, những trang phục trong các nghi lễ đó có gì đúng gì sai?
Gần đây, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, ban tổ chức Festival Huế đã cố gắng rất nhiều trong việc phục dựng một số nghi lễ triều đình, nhưng rất tiếc không thể vượt qua những khó khăn về tư liệu như tôi đã nêu trên, nên đã vấp phải một vài sai sót như trong các kỳ tế Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc vừa qua.
Thật sự theo tôi, nói dễ nhưng làm rất khó. Cần phải có thời gian và sự đóng góp của giới nghiên cứu mới hoàn thiện dần được.
- Ông có nghiên cứu gì sâu về những hình thêu, các hoa văn và nguyên phụ liệu trong các bộ đại lễ triều phục và có gì liên quan đến các làng nghề hay thơ thêu thợ may thời đó?
Chúng tôi, trong khi nghiên cứu về phẩm phục, lễ phục cũng đã tìm hiểu rất kỹ về ý nghĩa của các loại hoa văn, biểu tượng thêu - dệt trên gấm vóc, cũng như các làng nghề chuyên môn phục vụ cho Hoàng gia và triều đình ngày xưa. Chúng tôi sẽ lần lượt công bố các nghiên cứu qua các hội thảo chuyên đề sắp tời.
- Ông có ước mong gì trong việc phục hồi các bộ triều phục thời Nguyễn?
Tôi hy vọng qua tác phẩm “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945” sẽ có tác động đến giới nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, giời điện ảnh- sân khấu, giới thời trang để họ có tài liệu căn bản phục chế và ứng dụng trong các hoạt động chuyên môn của mình, để việc bảo tồn và phát huy văn hóa mỹ thuật truyền thống đạt được hiệu quả tốt đẹp nhất.
Hoài Hương