Một nhóm thanh niên ở khu ổ chuột Kibera, Kenya đã làm ra những món đồ trang sức đẹp mắt từ xương bò, xương dê. Họ có thể làm ra 400 khuyên tai và 150 đến 200 vòng cổ mỗi ngày phụ thuộc vào từng đơn đặt hàng.
Tại nhiều nền văn hóa châu Phi, sau khi giết một con bò, người ta tận dụng hết mà không bỏ đi thứ gì, kể cả xương. Với truyền thống này, một nhóm thanh niên ở khu ổ chuột Kibera, đất nước Kenya đã làm ra những món đồ trang sức đẹp mắt từ xương bò, xương dê. Với thương hiệu "Victorious Bones", nhóm đang làm giàu chính từ rác thải - một vấn đề nghiêm trọng tại các khu vực thành thị.
Anh Jack Nyawanga, người sáng lập Victorious Bones, cho biết, tại Kenya, rác thải bị ném tứ tung khắp nơi và nhóm anh đang góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường. Bằng việc thu gom tái chế xương thú, Victorious Bones có thể tạo ra những sản phẩm rất đẹp mắt đồng thời giúp môi trường sống sạch đẹp hơn.
Những sản phẩm tinh xảo do nhóm Victorious Bones làm ra từ xương động vật. |
Mỗi tháng một lần, Nyawanga mua lại số xương bỏ đi tại một nhà hàng trong khu ổ chuột. Nhiệm vụ trước tiên của nhóm là cắt, gọt và mài giũa xương. Sau đó, bỏ vào nước đun sôi và sử dụng hydrogen peroxide nhằm loại bỏ dầu mỡ bám trên xương. Làm như vậy, việc sơn sửa sẽ dễ dàng hơn.
Sau đó họ sẽ tiến hành bôi sáp nến lên những mẩu xương đó, phần được bôi sắp sẽ có màu trắng, phần còn lại sẽ thành màu đen sau khi được nhuộm.
Ở bước cuối cùng, xương sẽ được ngâm trong thuốc nhuộm khoảng 1 giờ để giữ màu sắc được lâu.
Trang sức thường là khuyên tai, vòng cổ cho đến vòng tay và nhẫn, có hình dạng và kích thước khác nhau. Tùy thuộc vào độ tinh xảo của thiết kế mà người thợ có thể mất từ 6 đến 20 tiếng để hoàn tất sản phẩm. Nhóm thành niên này có thể làm ra 400 khuyên tai và 150 đến 200 vòng cổ mỗi ngày phụ thuộc vào từng đơn đặt hàng.
Nyawanga cho biết, đây là lĩnh vực kinh doanh rất cạnh tranh bởi ngoài thị trường, mọi người đua nhau tạo ra những sản phẩm đầy sáng tạo.
Hiện nay, nhóm đang phối hợp rất chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ địa phương để giới thiệu sản phẩm tới du khách. Họ cũng đã xuất khẩu trang sức tới Canada. Không những thế, Victorious Bones còn tạo ra số lượng việc làm đáng kể cho địa phương, hiện nhóm có hơn 40 lao động đến từ Kibera- khu ở chuột lớn nhất của Kenya.
Ông chủ trẻ Nyawanga cho biết, “một số thanh niên được nhóm đào tạo đã được tuyển dụng vào các công ty khác trong khi nhiều người đã có thể mở cửa hàng riêng.
“Lao động ở đây có thể kiếm đủ tiền cho con ăn học, mua thực phẩm cho gia đình và chi trả tiền thuê nhà. Đây là một số thành quả không hề nhỏ mà những lao động nghèo đã đạt được”, anh nói thêm.
Trong 5 năm tới, Victorious Bones kỳ vọng sẽ trở thành một nhà cung ứng quan trọng các sản phẩm thủ công làm từ xương thú cho các thị trường khác nhau trong và ngoài nước.
“Trong cuộc sống, bạn phải lựa chọn một trong hai thứ: hoặc là chấp nhận sự nghèo đói và vô vọng hoặc là phải bước đi với đôi chân của chính mình”, Nyawanga chia sẻ.
HungNinh (Theo CNN)