Tình trạng đáng báo động về AMR
Kể từ khi ra đời, kháng sinh đã thay đổi hoàn toàn ngành y tế, giúp cứu sống nhiều người trên toàn cầu. Tuy nhiên, chính việc lạm dụng kháng sinh trong các bệnh viện, cộng đồng và nông nghiệp đang dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh khiến cho con người phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra cảnh báo tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng và cũng nguy hiểm như đại dịch Covid-19, thậm chí có nguy cơ đảo ngược những tiến bộ y học trong một thế kỷ. Ước tính mỗi năm, khoảng 700.000 người tử vong trên toàn cầu vì kháng thuốc kháng sinh. Con số này có thể tăng lên đến 10 triệu người vào năm 2050 nếu thế giới không hành động mạnh mẽ. Điều đó tiếp tục dấy lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của AMR, cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn.
Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp để chống lại AMR như Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 - 2020, Bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn được ban hành vào tháng 7/2020.
Chương trình Quản lý sử dụng kháng sinh đã nhận được sự chung tay nỗ lực từ các tổ chức khác nhau, tiêu biểu là Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu của CDC. Một chương trình giám sát quốc gia đã được khởi động từ năm 2016 với 16 phòng thí nghiệm vi sinh dưới sự quản lý của CDC. Các chương trình này đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các xu hướng kháng thuốc.
Mới đây, dưới sự tài trợ của MSD, Hội đồng kinh doanh vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU) đã tổ chức một diễn đàn cấp cao với chủ đề “Cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh ở Việt Nam và Đông Nam Á” với sự tham gia của những chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam.
Diễn đàn là một cuộc đối thoại mở nhằm thảo luận những thông tin mới nhất về AMR và tìm hiểu các ưu tiên của Chính phủ nhằm ngăn chặn sự tiến triển của AMR. Ngoài ra, những vấn đề khác như cơ hội hợp tác cho các bên liên quan để cùng triển khai giải pháp mới về giám sát, quản lý AMR, tiếp cận và tài trợ… cũng được đưa ra thảo luận.
Cam kết hỗ trợ từ MSD
Theo các chuyên gia y tế, một trong những giải pháp để đối phó với AMR là phải nghiên cứu phát triển thuốc kháng sinh mới, tuy nhiên có ít các loại kháng sinh mới và tiên tiến được giới thiệu kể từ năm 2010 cho đến nay.
Các đánh giá gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Từ thiện Pew (Pew Charitable Trusts) cũng chỉ ra rằng các nghiên cứu lâm sàng trên thế giới trong lĩnh vực điều trị vi khuẩn vẫn chưa đủ để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng của các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc.
Trong khi nhiều công ty dược phẩm lớn đã rút khỏi việc phát triển kháng sinh do chật vật với việc thu hồi vốn đầu tư, thì MSD vẫn duy trì cam kết nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh trong hơn 80 năm qua và đã đưa ra các phương pháp điều trị mới qua mỗi thập kỷ.
AMR là một vấn đề phức tạp mà không có giải pháp đơn giản hoặc đơn lẻ nào có thể giải quyết được, nhưng MSD cam kết đầu tư chuyên môn và nguồn lực cùng với các đối tác để cung cấp những loại kháng sinh cần thiết. Theo đại diện MSD, trong 10 năm tới, MSD sẽ đầu tư 100 triệu USD vào Quỹ Hành động AMR vì mục tiêu chung là đưa 2 - 4 loại kháng sinh mới tới bệnh nhân và bác sĩ vào cuối thập kỷ.
Ngoài ra, MSD cũng phối hợp với các cơ quan y tế công cộng, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các công ty chẩn đoán để thông báo về việc sử dụng kháng sinh hợp lý bằng cách chia sẻ dữ liệu giám sát. Một trong những chương trình giám sát AMR lớn nhất - chương trình Giám sát xu hướng đề kháng kháng sinh (SMART) - đã thu thập được khoảng 500.000 chủng vi khuẩn phân lập từ 217 địa điểm khác nhau ở 63 quốc gia kể từ năm 2002.
Dữ liệu này có thể giúp hạn chế sự phát triển của AMR bằng cách cung cấp các phác đồ điều trị đầy đủ và hướng dẫn kê đơn để bảo đảm kháng sinh được sử dụng một cách hợp lý. Tại Việt Nam, chương trình Quản lý sử dụng kháng sinh (AMS) của MSD đã được triển khai tại một bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh từ năm 2012 và được mở rộng đến 17 bệnh viện trọng điểm. Năm 2020, MSD cũng đã phối hợp với Bộ Y Tế mở rộng chương trình này tại 36 bệnh viện.
(Nguồn: MSD)