- Thiếu hiểu biết về luật, nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phải làm gì, tìm đến cơ quan nào để nhờ cậy bảo vệ quyền lợi cho mình, chỉ biết im lặng chấp nhận.
Theo Bộ Công Thương, sau một năm triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã có hơn 550 vụ việc khiếu nại đến các Sở Công Thương, gần 2.000 vụ khiếu nại đến Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng các địa phương và khoảng 60 vụ khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh. Các vụ khiếu nại này đều đã được giải quyết với tỷ lệ thành công trên 80%.
Tuy nhiên, số vụ việc trên còn rất nhỏ bé so với thực tế đang diễn ra tại quốc gia có tới gần 90 triệu dân và nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng cao. Chắc chắn số vụ việc người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi còn lớn hơn rất nhiều lần nhưng do người tiêu dùng im lặng, không khiếu nại, không biết khiếu nại đến đâu, hoặc có khiếu nại mà chưa được giải quyết.
Trong một năm qua, các hiện tượng như ngộ độc thực
phẩm; phân bón giả; chủ dự án bán nền đất; căn hộ thu gần đủ tiền nhưng
giao nhà không đúng tiến độ; ban quản lý tòa nhà tùy tiện tăng phí dịch
vụ; nhiều xe chở thực phẩm thối rữa để làm thức ăn; các phòng khám tư
nhân quảng cáo rầm rộ nhưng nhiều bệnh nhân bị "chém" không thương tiếc
mà tiền mất tật mang; rồi bữa ăn tại trường mẫu giáo quốc tế không đảm
bảo; bán hàng lừa đảo... vẫn diễn ra khắp nơi cho thấy quyền lợi của
người tiêu dùng vẫn đang bị xâm phạm trắng trợn.
Vẫn mù mờ về luật
Nguyên nhân quan trọng khiến Luật Bảo quyền lợi vệ người tiêu dùng chưa mang lại hiệu quả, theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), là do đến nay, các địa phương mới tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động là chủ yếu mà chưa có nhiều biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực. Tuy vậy, công tác truyền thông vẫn rất yếu kém. Đến nay, nhiều người tiêu dùng vẫn mù mờ không rõ, thậm chí là không biết về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực và 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng là gì.
Chính vì vậy, nhiều vụ việc người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết làm cách nào, tìm đến cơ quan nào để nhờ cậy bảo vệ quyền lợi cho mình, chỉ biết im lặng chấp nhận.
Chẳng hạn, Điều 15, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khẳng định, giải quyết tranh chấp phải giải quyết theo hướng có lợi cho người tiêu dùng, DN phải bồi thường thiệt hại do hàng hoá có khuyết tật của mình gây ra, người tiêu dùng được khuyến khích quyền khiếu nại, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và khi khởi kiện sẽ không phải nộp tạm ứng án phí, lệ phí toà án...
Tuy nhiên, thời gian qua có rất ít các vụ người tiêu dùng khiếu nại đề nghị bảo vệ quyền lợi cho mình.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nguyên nhân chính là do người tiêu dùng mù mờ về luật, với hàng hóa giá trị thấp, ngại khiếu nại vì sợ mất thời gian; với hàng hóa giá trị cao thì sợ việc đòi quyền lợi thỏa đáng khó thành công. Ông Hùng cho biết đến nay vẫn chưa có một trường hợp người tiêu dùng nào ở Việt Nam ủy nhiệm cho hội kiện ra toà đòi quyền lợi cho họ.
Do công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng chưa sâu rộng, nên bản thân người tiêu dùng chưa hiểu hết được các quyền lợi của mình, dẫn đến lơ là hoặc thờ ơ trong việc tự bảo vệ những quyền lợi chính đáng mà lẽ ra mình được hưởng.
Ông Hùng ví dụ, để giúp người tiêu dùng tránh được tình trạng các cây xăng bán xăng kém chất lượng, hoặc đong gian cho khách hàng, một số DN kinh doanh xăng dầu có uy tín trên địa bàn TP.HCM đã in hóa đơn đưa khách mỗi lần đổ xăng, với các thông số như số lượng, giá cả, thời gian... Tuy nhiên, thay vì giữ hóa đơn mua hàng này để làm cơ sở để có thể tự bảo vệ mình trong những trường hợp cần thiết, thì đại bộ phận khách hàng đều vứt hóa đơn ngay trước cửa hàng bán xăng.
Hay có rất ít người tiêu dùng đọc kỹ
bản hợp đồng các dịch vụ trước khi đặt bút ký, hoặc mua hàng mà không
tìm hiểu kỹ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, không yêu cầu
xuất hóa đơn nên khi mua nhầm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất
lượng... rất khó khiếu nại.
Mỗi nơi làm một kiểu
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cũng chưa quyết liệt, hết sức chậm chạm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng "Trước tiên cần phải nói đến sự chậm trễ. Ngày 1/7/2011, Luật bắt đầu có hiệu lực, nhưng cũng phải 6 tháng sau Chính phủ mới có nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành và cũng phải mất một thời gian vài tháng nữa để có Nghị định hướng dẫn xử phạt. Do đó, nếu xét thời gian thực tế để có thể thực thi luật này một cách toàn diện thì cũng mới chỉ được 3 tháng nay. Đó là một bất cập".
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), thừa nhận, hạn chế lớn nhất của Luật là vẫn chưa thể hoàn thiện cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.
Các địa phương hiện đang giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho những đầu mối khác nhau như Chi cục quản lý thị trường, phòng kinh tế quận, huyện, phòng pháp chế... Chẳng hạn tỉnh Hải Dương thì giao nhiệm vụ này cho Chi cục Quản lý thị trường, TP. Hà Nội thì giao cho Phòng Quản lý thương mại, hoặc Phòng Kinh tế đối ngoại, tỉnh Cà Mau lại giao cho Phòng Pháp chế... nên gây ra sự đứt quãng, thiếu đồng bộ trong biện pháp và hành động làm giảm hiệu lực quản lý của chính quyền.
"Đó là một trong những điểm yếu, nếu không làm tốt công tác này thì việc bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn hơn", ông Nam cho hay.
Ngoài ra, một bộ phận cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thạo nghề, thiếu kiến thức pháp luật, làm việc kiêm nhiệm... nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác. Điển hình, dư luận xã hội băn khoăn về việc giá dược phẩm và sữa ở Việt Nam rất "chơi vơi", xa rời thực tế và không phản ánh đúng bản chất quan hệ cung cầu, gây thiệt hại cho đa số người tiêu dùng nhưng chưa được xử lý triệt để hoặc thiếu thuyết phục.
Không chỉ vậy, ngay cả các cơ quan như tòa án cũng thờ ơ với luật này. Chẳng hạn, câu chuyện về việc một khách hàng tại Hà Nội vào sử dụng dịch vụ ở nhà hàng My Way bị mất xe, phía My Way từ chối hoàn toàn trách nhiệm bồi thường. Sau khá nhiều lần chủ động đàm phán để tránh cảnh kiện tụng, không đạt được thỏa thuận. Cực chẳng đã, khách hàng đâm đơn ra toà.
Thế nhưng, điều đáng tiếc là tại phiên tranh tụng ngày 10/5 vừa qua, TAND quận Cầu Giấy đã tuyên cửa hàng này vô can và bác đơn khởi kiện của khách hàng.
Sau sự việc, nhiều người tiêu dùng vô cùng thất vọng. Theo các luật
sư, vụ việc này có thể được coi là một điển hình để tòa áp dụng Luật Bảo
vệ người tiêu dùng vào xét xử. Thế nhưng, với việc người khởi kiện đã
thua, cánh cửa bảo vệ người tiêu dùng vừa hé mở đã bị đóng sập lại.
DN không muốn có luật?
Hiện ở Việt Nam có các dịch vụ như điện, nước, viễn thông, internet... do một hoặc một số ít doanh nghiệp cung cấp. Khi muốn sử dụng các dịch vụ này, người tiêu dùng phải ký hợp đồng với các nhà cung cấp mà không có quyền được thỏa thuận hoặc lựa chọn các quyền cho chính mình. Mỗi khi có khiếu kiện xảy ra, người tiêu dùng luôn là người chịu thiệt thòi do các điều khoản quy định trong hợp đồng luôn có lợi cho DN.
Để hạn chế sự độc quyền, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đặt ra quy định đối với các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu liên quan đến nhiều người tiêu dùng, thì doanh nghiệp phải sử dụng các hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung đăng ký với cơ quan quản lý nhằm kiểm soát các điều khoản đưa ra trong hợp đồng phải công bằng, bình đẳng và người tiêu dùng phải được bảo vệ.
Tuy nhiên, theo ông Nam, ngay khi soạn thảo, luật đã bị chính những hiệp hội ngành hàng kể trên phản đối, không hợp tác vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, dù Luật Bảo vệ người tiêu dùng được soạn thảo ra dành cho tất cả mọi người, trong đó có họ và gia đình họ.
Sau khi quyết liệt đưa 9 ngành hàng thiết yếu như điện, nước, viễn thông, truyền hình cáp, internet... vào diện phải thực hiên sử dụng hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung thì đến nay, sau một năm thực hiện, tại các địa phương có rất ít các DN thuộc lĩnh vực này đến đăng ký hợp đồng mẫu.
Ông Bùi Gia Tuấn, Phó giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn, cho biết, Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung đã hết thời hạn đăng ký, nhưng nhiều DN tại Lạng Sơn chưa thực hiện theo quy định. Với 9 loại hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung thì ở Lạng Sơn có 7 loại hàng hóa dịch vụ nhưng đến nay mới có một DN đăng ký.
Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, tới nay, cả nước mới chỉ có 80 hồ sơ được đăng ký tại các Sở Công Thương. Địa phương tiếp nhận nhiều nhất là 6 bộ hồ sơ (Đắk Lắk, Đắk Nông). Nhiều sở công thương chưa tiếp nhận bộ hồ sơ nào như Lâm Đồng, Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp, Hải Phòng, Thái Nguyên.
Nếu xét một cách tổng quát về phạm vi ảnh hưởng thì có thể coi Luật Bảo quyền lợi vệ người tiêu dùng là bộ luật có độ bao phủ rộng nhất vì nó liên quan trực tiếp tới đời sống hàng ngày của gần 90 triệu người dân Việt Nam. Tuy nhiên, sau một năm luật có hiệu lực, hiện vẫn còn rất nhiều ngổn ngang, dang dở.
Trần Thuỷ