Ngày 22/4, chia sẻ về nguyên nhân mưa đá, giông lốc xuất hiện nhiều tại các tỉnh, thành phía Bắc trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nền nhiệt ở nước ta cao hơn trung bình nhiều năm.

Vì vậy, trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, quá trình đối lưu sẽ càng diễn ra mạnh mẽ khiến giông, lốc diễn ra với cường độ mạnh hơn; các thiên tai đi kèm như gió giật, gió mạnh, sét cũng xảy ra nhiều hơn.

W-cay-anh-bat-goc-11-1.jpeg
Mưa giông, gió mạnh khiến cây xanh bật gốc ở Hà Nội vào tối 20/4. Ảnh: Đình Hiếu

Đối với hiện tượng giông lốc, mưa đá mới xảy ra, ông Hưởng cho biết, do những ngày qua, một rãnh áp thấp có trục 23 – 25 độ vĩ Bắc, dịch chuyển từ khu vực phía Nam Trung Quốc xuống. Sự dịch chuyển bị tác động bởi khối không khí mát từ lục địa Trung Quốc đẩy xuống.

Sự tương tác tạo ra quá trình đối lưu mạnh ở Bắc Bộ. Hệ quả là mưa giông mạnh xảy ra ở miền Bắc và gây ra thời tiết cực đoan như gió mạnh, lốc sét, thậm chí là mưa đá.

Khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn giao mùa nên tháng 4, 5 và đầu tháng 6 khả năng cao sẽ tiếp tục xuất hiện giông, lốc, sét, mưa đá.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên trú mưa dưới gốc cây, phòng trừ trường hợp cây xanh bật gốc, gãy đổ và thậm chí giông, lốc, sét có thể đánh vào cây, ảnh hưởng đến sinh mạng. Khi có hiện tượng giông lốc, người dân nên tìm chỗ trú ẩn trong nhà, không đi ra ngoài trời", ông Hưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hưởng khuyên người dân theo dõi thông tin thời tiết cập nhật trên hệ thống website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các phương tiện thông tin đại chúng để có phương án phòng tránh phù hợp.

Gần 7.000 nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ và Quảng Ninh, tính đến 18h ngày 21/4, thiệt hại do mưa kèm theo giông, lốc đã làm 1 người chết ở tỉnh Hà Giang và 8 người bị thương ở các địa phương khác.

Về nhà ở, đã có 6.891 nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái. Ngoài ra, còn có 53 điểm trường bị tốc mái, thiệt hại.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa giông ở nước ta thường bắt đầu từ tháng 3 - 4 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11.