Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong thời gian tháng 5-6 (trọng tâm là tháng 5) là giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa ở Bắc Bộ.
Do đó, các hiện tượng giông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có khả năng xuất hiện nhiều nhất trong năm, đặc biệt ở vùng núi do tác động của địa hình có thể tạo ra các ổ mây đối lưu phát triển mạnh. Thời gian giông, lốc, sét nhất là mưa đá và gió giật mạnh ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ thường xuất hiện vào chiều, chiều tối và đêm, khi hiện tượng không khí đối lưu diễn ra mạnh mẽ.
Thời kỳ cuối tháng 4, đầu tháng 5, ở các khu vực Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã liên tiếp xảy ra mưa đá, gây thiệt hại nhiều về tài sản của người dân.
Các chuyên gia lưu ý, dấu hiệu nhận biết khi có hiện tượng mưa đá, là khi thấy mây đen bao phủ kín bầu trời, giông gió nổi lên mạnh dần, tiếp đó mưa rào xuất hiện, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột...
Mưa đá thường xảy ra trong khoảng 5-30 phút và rơi xuống cùng với mưa rào, kích thước khoảng 5mm đến hàng chục cm.
Hiện tượng mưa đá thường xuất hiện ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi, kể cả mùa mưa hay mùa hè. Ở khu vực miền Bắc thường xuyên xảy ra mưa đá, chủ yếu là vào tháng 3-5.
Các biện pháp phòng, tránh khi có mưa đá
Theo các chuyên gia khí tượng, mưa đá là hiện tượng thời tiết nguy hiểm, xuất hiện và gây hại nhanh, bất ngờ, rất khó dự báo chính xác về thời gian xuất hiện, vùng ảnh hưởng và mức độ gây hại.
Ông Hưởng cho biết, hiện tượng giông, lốc, mưa đá khó có thể dự báo xa, nhưng có thể cảnh báo sớm qua các thiết bị theo dõi như sử dụng ảnh mây vệ tinh, ảnh rada với độ phản hồi lớn; từ đó có thể đưa ra được cảnh báo trước khoảng 30 phút đến 1 tiếng.
Trong điều kiện đó, người dân cần thường xuyên theo dõi cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như chủ động quan sát các dấu hiệu có thể xảy ra mưa đá.
Khi xảy ra mưa đá, cần nhanh chóng tìm nơi ẩn náu như nhà kiên cố, mái che chắc chắn, hang động… Trường hợp chưa kịp trú ẩn, dùng các vật cứng như: mũ bảo hiểm, cặp sách… để tránh đá rơi trực tiếp vào đầu. Trường hợp đang lưu thông trên đường, nên dừng xe và đỗ vào lề đường, chờ đá trên đường tan hết mới tiếp tục di chuyển để tránh trơn trượt.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, khi gặp mưa đá, người dân không nên trú ở gốc cây hay những ngôi nhà mái lá, mái ngói hoặc mái fibro xi măng; không tắm mưa hoặc sử dụng nước tan ra từ mưa đá do có thể nhiễm các chất bẩn, độc tố, axit.
Ngoài ra, người dân cần kết hợp với các biện pháp phòng chống thụ động dựa vào kết quả thống kê, điều tra xác định những vùng thường xảy ra mưa đá để từ đó bố trí các loại cây trồng ít bị ảnh hưởng, ít bị tàn phá bởi mưa đá hoặc dịch chuyển thời vụ cho phù hợp để cây trồng phát triển, ra hoa kết quả và cho thu hoạch vào thời điểm an toàn nhất; kịp thời che, đậy hạn chế mức độ tàn phá của mưa đá,...
Theo cơ quan khí tượng, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về những tác động nhanh của hiện tượng thời tiết này. Không như bão, lũ lụt tác động trong thời gian dài, có thể lên kế hoạch phòng chống. Tác hại của mưa đá được hạn chế chủ yếu và hiệu quả nhờ vào sự hiểu biết và nỗ lực của mỗi người dân.
Để tự phòng tránh người dân cũng có thể nhận biết được chuẩn bị xảy ra mưa đá dựa vào một vài đặc điểm như đã nói trên. Người dân ở các khu vực hay có mưa đá cần theo dõi thường xuyên thông tin thời tiết và luôn chuẩn bị sẵn các phương án trú, tránh an toàn cho người, vật nuôi và hạn chế tác hại đối với các vật dụng, đồ dùng, máy móc nếu mưa đá xảy ra…