Đầu tháng 3/2018, ICTnews nhận được phản ánh của độc giả H.V.N trú tại Cần Giuộc, Long An về việc có mua hàng qua ứng dụng của sàn thương mại điện tử Akulaku (Akulaku.vn, thuộc Công ty TNHH Silvrr Vision, hoạt động tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam - PV) một chiếc smartphone Samsung Galaxy J7 Pro màu đen, số IMEI 356202090239320.

“Tôi đặt mua ngày 25/2/2018, đến ngày 27/2/2018 thì nhận được hàng. Thông tin cam kết nhà bán hàng là hàng chính hãng, bảo hành chính hãng 12 tháng. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại thì tôi bất ngờ phát hiện máy đã kích hoạt bảo hành hãng từ ngày 10/2/2018, tức là đã kích hoạt hơn 2 tuần trước đó”, khách hàng H.V.N phản ánh.

Cũng theo khách hàng này, anh đã liên hệ với bên Akulaku thì phía doanh nghiệp này cho hay đó là do lỗi của Samsung đã “lỡ kích hoạt bảo hành” lô hàng của họ.

“Không chấp nhận cách lý giải này, tôi yêu cầu phải đổi máy như cam kết là bảo hành 12 tháng chính hãng, tuy nhiên họ không đổi. 2 tuần là thời gian không hề ngắn, nếu chấp nhận nhận máy theo cách bán hàng như của Akulaku, nhỡ trong thời gian này bị trục trặc, hỏng lỗi lớn thì ai đền bù cho tôi?”, khách hàng H.V.N bức xúc.

Sau thời điểm nhận được phản ánh của khách hàng H.V.N, ICTnews đã vào cuộc hỗ trợ. Mặt khác hướng dẫn khách hàng tiếp tục gửi khiếu nại đến Akulaku, đồng thời xem xét gửi đơn khiếu nại lên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) để cơ quan chức năng tiếp nhận và giải quyết.

Sau nhiều lần khách hàng liên lạc qua email và điện thoại, đến ngày 14/3, phía Akulaku đã gửi thông báo chấp nhận đổi cho khách hàng H.V.N chiếc smartphone Samsung J7 Pro màu đen khác với thời gian kích hoạt bảo hành sau ngày 26/2/2018 – tức là vào thời điểm khách hàng này nhận được sản phẩm do nhà bán lẻ này giao.

Qua sự việc của khách hàng H.V.N, thực tế đã cho thấy cách kinh doanh thiếu chuyên nghiệp của sàn thương mại điện tử Akulaku đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Nếu khách hàng H.V.N dễ dàng thỏa hiệp, chấp nhận nhận một chiếc điện thoại đã kích hoạt bảo hành không đúng như cam kết thì quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị doanh nghiệp xem thường, tạo ra tiền lệ xấu trong hoạt động kinh doanh.

Do đó, trước sự việc tương tự như khách hàng H.V.N gặp phải, người tiêu dùng cần kiên quyết đề nghị doanh nghiệp trả lại quyền lợi chính đáng cho mình, đồng thời gửi đơn khiếu nại đến Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh thành phố hoặc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) để các cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ giải quyết.

Theo tìm hiểu của ICTnews, Công ty TNHH Silvrr Vision được thành lập tháng 5/2017 và là doanh nghiệp chịu trách nhiệm cho sàn giao dịch thương mại điện tử Akulaku tại Việt Nam (sàn giao dịch thương mại điện tử này được cung cấp qua ứng dụng di động Akulaku).