Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, thương mại điện tử là một phương thức mua sắm mới, thu hút số lượng lớn người tiêu dùng nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập.
Trước thực tế này, Cục vừa đưa ra các cảnh báo để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình trước những cái bẫy được đối tượng lừa đảo giăng sẵn.
Trước hết, người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi khi giao dịch với các tổ chức cá nhân có chủ đích lừa đảo qua mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Người tiêu dùng chỉ liên lạc qua điện thoại hoặc qua trang mạng xã hội. Khi trả tiền xong, người tiêu dùng không nhận được hàng hoặc nhận hàng hoàn toàn khác so với quảng cáo (ví dụ mua điện thoại nhưng nhận được hộp đựng một viên gạch…).
Sau khi bán hàng, người bán lập tức chặn điện thoại, Facebook của người mua… Thậm chí khi lượng người tiêu dùng khiếu nại lớn hoặc cơ quan quản lý vào cuộc, người bán lập tức bỏ số điện thoại, tài khoản Facebook…
Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cảnh báo hàng loạt mánh khóe, chiêu lừa đảo của các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Ví dụ, hàng người tiêu dùng nhận được không giống với quảng cáo về hình dáng, tính năng, công dụng, thông số kỹ thuật... Chẳng hạn, có khách hàng đặt mua USB 256GB nhưng nhận được USB 128GB.
Thông tin sai về xuất xứ hàng hóa. Một số tổ chức, cá nhân bán các hàng hóa không có xuất xứ hoặc xuất xứ từ các quốc gia khác với nơi được quảng cáo (ví dụ: hàng xuất xứ Trung Quốc nhưng thông tin là hàng Nhật, Mỹ…).
Thông tin sai về giá cả. Doanh nghiệp đăng sai về giá để thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế lại không có hàng hoặc có rất ít hàng hóa được bán với giá được quảng cáo.
Hành vi vi phạm về cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo Bộ Công Thương là có thể bị xử phạt theo Điều 66 Nghị định 185/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó là những hành vi về cung cấp chứng từ giao dịch. Không cung cấp hóa đơn: việc không cung cấp hóa đơn không chỉ thể hiện tổ chức, cá nhân kinh doanh không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước mà nó còn khiến người tiêu dùng thiếu căn cứ, cơ sở khi muốn khiếu nại.
Hành vi vi phạm về chứng từ giao dịch của tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo Điều 77 Nghị định 185/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Hành vi vi phạm về cung cấp bằng chứng giao dịch.
Chưa hết, đó còn là các hành vi giao hàng chậm so với thời gian đã cam kết; hủy đơn hàng không lý do (một số doanh tổ chức, cá nhân kinh doanh cố tính hủy đơn hàng đã được xác nhận trước đó để buộc người tiêu dùng phải đặt lại với giá cao hơn).
Ngoài ra, còn có tình trạng giao thiếu hàng khuyến mãi. Trong một số trường hợp hàng hóa đã hết chương trình khuyến mại nhưng tổ chức, cá nhân kinh doanh không điều chỉnh thông tin với mục đích tiếp tục thu hút người tiêu dùng. Sau đó, giao thiếu hàng khuyến mại.
Giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại. Nhiều người tiêu dùng khiếu nại nhận hàng bị vỡ hoặc hư hỏng nhưng tổ chức, cá nhân từ chối hoặc đổ lỗi cho người tiêu dùng và đơn vị vận chuyển.
Các hành vi này có thể bị xử phạt theo Điều 80 Nghị định 185/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Hành vi vi phạm khác trong quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng.