Khi mua sắm qua mạng, khách hàng có thể bị đăng nhập nhầm vào một website có giao diện tương tự website mình thường vào, nhờ đó hacker sẽ thu thập được thông tin tài khoản, mật khẩu và thậm chí cả tài khoản ngân hàng của bạn.
Cảnh báo được đưa ra tại Tọa đàm Công dân số hưởng ứng ngày An toàn Internet 2017 tổ chức sáng nay. Hiện nay, tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam đã đạt 53% dân số. Theo thông tin từ tọa đàm, số người tham gia các giao dịch điện tử qua mạng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, chỉ số an toàn Internet tại nước ta năm 2015 chỉ đạt 46,5%, dưới mức trung bình. Điều đó cho thấy, người dùng Internet luôn phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn khi giao dịch qua mạng.
Không click vào những tiêu đề giật gân để tránh virus. |
Năm 2016, rất nhiều vụ việc liên quan đến an ninh mạng được công bố như khách hàng bỗng dưng "bốc hơi" tài khoản ngân hàng, tin tặc tấn công website sân bay... càng khiến nhiều người cảm thấy lo ngại.
Chị Minh Anh (Hà Nội) là một khách hàng thường xuyên mua quần áo online. Cứ thấy có shop nào mẫu mã đẹp, giá khuyến mãi là chị lại đặt hàng và thanh toán online. Tính tiện lợi của cách thức mua hàng này khiến chị quên mất những nguyên tắc bảo mật cho mình.
Một lần, chị nhận được một email do Gmail gửi thông báo: Email của chị đã được sử dụng để đăng nhập mở một vị trí mà chị không hề hay biết. Chị Anh vội vàng thay đổi password để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, chị vẫn không hết lo lắng bởi nhiều lần chị đã đăng nhập để mua hàng ở những nơi có wifi miễn phí nơi công cộng, không biết tài khoản của mình còn bị ai đó ăn cắp vì một mục đích nào đó nữa không.
Một thực tế hiện nay là nhiều người sử dụng Internet ở Việt Nam sử dụng một địa chỉ email và password cho rất nhiều mục đích đăng nhập như facebook, zalo, tài khoản ngân hàng... mà không quan tâm rằng, nếu để mất mật khẩu sẽ rất nguy hiểm bởi hacker có thể đăng nhập vào tất cả các tài khoản của bạn.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng tại tọa đàm, người dùng Internet cần lưu ý những nguyên tắc cơ bản sau để đảm bảo an toàn khi giao dịch online:
1. Bảo vệ các thiết bị kết nối Internet (máy tính, điện thoại): Để chế độ tự động cập nhật cho tất cả các phần mềm trên máy tính của bạn; cài đặt phần mềm diệt virus và phần mềm chống gián điệp; luôn bật tường lửa cho máy tính; không tải các phần mềm độc hại; khóa điện thoại bằng mã số nhận dạng cá nhân.
2. Sử dụng thư điện tử an toàn: Sử dụng mật khẩu mạnh để bảo vệ email và các tài khoản trực tuyến khác, tránh dùng cùng một mật khẩu cho tất cả tài khoản. Tỉnh táo với những trò lừa đảo từ email, ví dụ như một thông báo khẩn cấp có vẻ từ ngân hàng hoặc từ các tổ chức đáng tin cậy như quỹ từ thiện. Chúng có thể yêu cầu bạn cung cấp mật khẩu, thông tin tài chính hay yêu cầu bạn đến một trang web giả mạo.
3. Sử dụng mạng xã hội an toàn: Thận trọng khi chấp nhận kết bạn trên mạng xã hội; kiểm tra kĩ khi có bất cứ người bạn nào hỏi vay tiền, mượn đồ; không chia sẻ quá nhiều thông tin lên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin cá nhân như ngày sinh, sổ tiết kiệm, thẻ ngân hàng...
4. Sử dụng trình duyệt web an toàn: Tránh nhấp chuột vào các trạng thái "agree", "ok" hoặc "i accept" trên các banner quảng cáo, cửa sổ pop-up bất ngờ hiện ra, thay vào đó, hãy nhấn CTRL+F4 để đóng các cửa sổ này lại; không chia sẻ các thông tin cá nhân khi online bằng mạng wifi công cộng; không tải các bản sao bất hợp pháp của âm nhạc, trò chơi có bản quyền...
(Theo Báo tin tức)