Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Sa Pa, từ ngày 27 - 28/9, trên địa bàn thị xã Sa Pa có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Mưa lũ đã khiến Quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai đi thị xã Sa Pa xuất hiện 3 điểm sạt lở, gồm: Điểm tại Km100+300, thuộc địa phận phường Phan Si Păng (từ Sa Pa đi Thác Bạc); điểm thứ hai tại Km 109, phường Hàm Rồng và điểm thứ 3 tại Km112+200, thuộc địa phận xã Trung Chải, thị xã Sa Pa.

Hiện chưa xác định được khối lượng đất, đá sạt lở của các điểm. Bên cạnh đó, trên tỉnh lộ 152 đoạn Km23 (từ trung tâm thị xã Sa Pa đi xã Bản Hồ, Liên Minh), giáp đầu cầu Thanh Phú cũng xuất hiện điểm sạt lở lớn gây ách tắc giao thông.

Theo đánh giá của Ban Bảo trì giao thông (Sở Giao thông vận tải - Xây dựng), mặc dù các điểm sạt lở có khối lượng không lớn nhưng đã gây ách tắc giao thông. Đặc biệt, điểm sạt lở tại Km112+200 thuộc địa phận xã Trung Chải, thị xã Sa Pa có khối đá lớn sạt xuống đường gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông.

Đơn vị bảo trì phải dùng máy khoan sau đó sử dụng bột lở để phá khối đá, sau đó đẩy ra cạnh đường để thông tuyến tạm thời.

Mưa lớn, gây sạt lở trên quốc lộ 4D, ở thị xã Sa Pa, Lào Cai.  Ảnh: Văn Quảng.

Mưa lũ cũng làm sạt lở taluy vào 1 nhà dân ở thôn Móng Xóa, xã Ngũ Chỉ Sơn làm nứt nền, ảnh hưởng đến kết cấu nhà. Cùng với đó, các tuyến Tỉnh lộ 152, 162 và một số tuyến đường giao thông liên xã bị sạt lở với khối lượng hàng chục nghìn mét khối.

Hiện nay, UBND thị xã Sa Pa chỉ đạo UBND các xã, phường huy động lực lượng hỗ trợ di chuyển tạm thời người và tài sản đến nơi an toàn; Hạt Quản lý đường bộ I, Phòng Quản lý Đô thị, Công an thị xã cắm biển cảnh báo, phân luồng giao thông, tiến hành xử lý, khắc phục đảm bảo giao thông bước I.

UBND tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian qua đã có mưa kéo dài, đất đá ở nhiều khu vực no nước và đạt trạng thái gần bão hòa, độ liên kết yếu. Trong khi đó, nhiều sông suối mực nước ở mức cao và tiếp tục dâng lên, rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá khi mưa lớn.

Người dân khu vực vùng núi, nhất là các địa phương nằm trong diện cảnh báo nguy hiểm cần tăng cường công tác phòng, chống thiên tai.

Sẵn sàng di dời người và tài sản khi có sự chỉ đạo của chính quyền sở tại, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” khi ứng cứu.