Với dân buôn bán hàng “sale off” lề đường, bí quyết thành công là nguồn hàng. Và rất hiếm khi cho họ để người ngoài biết nguồn hàng của mình.

Bí quyết của của nghề bán hàng “sale off”

Giáp Tết là thời điểm dân buôn hàng "sale off” (hàng giảm giá) lề đường tập trung “đánh quả cuối”, bởi đây là vụ “thu hoạch chính”, có khi thu đến vài triệu đồng/ngày.

Phải thông qua một vài người quen, cộng với lời hứa không được bán xung quanh khu vực quận 12 (TP.HCM), Lâm mới đồng ý tiếc lộ cho tôi một vài bí quyết trong nghề kinh doanh dây thắt lưng “phù phép” (đây là cách gọi của dân kinh doanh loại hàng này).

Mặc dù chỉ mới 18 tuổi, song Lâm lại có thâm niên gần 5 năm bám trụ, buôn bán ở lề đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12). Lâm bảo, nghề bán hàng “sale off” của mình là nghề… “gia truyền”. Bởi ngoài Lâm ra, trong gia đình cậu còn có 2 người chị gái và một người anh trai theo nghề này. Và chính họ là “thầy”, người hướng dẫn Lâm cách thức chọn hàng, bán hàng…

{keywords}

Quần áo, vật dụng thanh lý được bày bán ở vỉa hè.

Do không buôn bán cùng một mặt hàng nên việc kinh doanh trong gia đình Lâm chẳng khác gì một chuỗi cửa hàng, trông rất chuyên nghiệp. Nếu như Lâm chọn dây thắt lưng thì 2 người chị gái chọn giầy dép, quần áo nam là mặt hàng chính để phục vụ khách. Trong khi đó thì người anh trai lại chuyên “trị” quần áo dành cho phái nữ". Bốn chị em tui là đủ phục vụ cho tất cả các như cầu về thời trang, Lâm dí dỏm.Khi được hỏi về lý do chọn dây thắt lưng để kinh doanh, Lâm cho biết, thắt lưng tuy khó bán nhưng lại có lãi nhiều hơn, trong khi đó vốn bỏ ra lại nhẹ.

Tại “cửa hàng” của Lâm, theo quan sát của chúng tôi, khó khoảng trên hai trăm sản phẩm các loại. Tính trung bình 50 ngàn đồng/sản phẩm, tổng số vốn của cả “cửa hàng” của Lâm khoảng 10 triệu đồng.

Cũng theo Lâm thì “cửa hàng” của mình chỉ là cò con, những người buôn ở khu vực này có vốn trung bình khoảng 30 triệu, cá biệt có vài người có vốn đầu tư lên đến 50 – 60 triệu. Với số vốn đó, nếu mỗi ngày bán được 10 – 20 sản phẩm, Lâm lãi khoảng một triệu đồng.

“Đối với những người buôn bán lớn, mỗi ngày họ thu về khoảng 3 – 5 triệu là bình thường”, Lâm hào hứng. Tất cả những khoản lãi trên phụ thuộc vào 2 yếu tố: nguồn hàng và cách “phù phép” của người bán.

Hầu hết là hàng dỏm

Tìm hiểu một số người, chúng tôi được biết, mặc dù được rao bán là hàng công ty, hàng thanh lý cuối năm, song hầu hết các sản phẩm đều có xuất xứ không rõ nguồn gốc, hàng Trung Quốc hoặc của các xưởng sản xuất theo hộ gia đình. Sau khi nhận hàng về, các chủ hàng sẽ gắn nhãn mác của các đơn vị sản xuất có tiếng ở trong nước hoặc nước ngoài để thổi phồng giá trị.

Trường hợp của Lâm, tất cả các dây thắt lưng của cửa hàng Lâm đều có nguồn gốc… Chợ Lớn. Mỗi một dây có giá khoảng 20.000 - 30.000 đồng, cộng với mặt dây làm bằng kim loại chỉ khoảng 15.000 đồng, song khi được đặt lên giá thì nó được xem như hàng Thái và được nâng lên 150.000 - 200.000 đồng/dây.

Theo chân Lâm, chúng tôi ghé vào cửa hàng chuyên cung cấp hàng cho người buôn bán “lề đường” khu vực quận 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và một vài tỉnh miền Đông, miền Tây. Chị chủ hàng cho biết, đại lý mà chị đang làm chủ là đại cấp 2, còn đại lý cấp 1 nằm ở Chợ Lớn.

Mỗi một sản phẩm khi qua tay chị, nó sẽ được nâng lên khoảng từ 5.000 - 20.000 đồng. Ngoài dây thắt lưng ra, chị này còn cung cấp cả quần áo, giầy dép, bóp…

Theo ước tính của Lâm, mỗi ngày chị chủ này cung cấp hàng cho không dưới 50 người kinh doanh ở thành phố và vài chục người ở các tỉnh lân cận. Như vậy, một ngày người chủ này “lượm” được ít nhất vài chục triệu đồng.

Chỉ riêng khu vực chợ Tân Bình, có ít nhất vài chục người như thế. Và do lấy hàng giá rẻ, “phù phép” thành hàng hiệu rồi hét giá nên hầu như khách hàng nào khi bước vào các “cửa hàng” lề đường cũng đều dính “chưởng”.

Lâm cho biết, bằng cách này, nhiều người đã kiếm tiền triệu mỗi ngày. Thậm chí một số người, sau vài năm đã dư tiền mua nhà ở Sài Gòn…Và chính những khoản lợi nhuận đó chính là nguyên nhân mà các “cửa hàng” lề đường cứ liên tục mọc ra… để kiếm tiền triệu mỗi ngày.

(Theo Một thế giới)