Đại diện Vụ Chính sách thuế cho biết, hiện cơ quan này đang viết dự thảo lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, trước khi trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ Nghị định quy định việc giảm phí trước bạ cho các loại ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước. Dự kiến quy định này sẽ đi vào thực tiễn trong hai tháng nữa.
Trước thông tin này, khá nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi: Nếu mua xe luôn từ bây giờ và “găm lại”, đợi khi có các hướng dẫn cụ thể mới đi làm thủ tục đăng ký xe (nộp phí trước bạ) thì có vi phạm quy định nào không? Nếu có thì mức phạt sẽ là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 10 Nghị định 140/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 4 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP về Lệ phí Trước bạ, người nộp lệ phí trước bạ thực hiện nộp tiền lệ phí trước bạ vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày ký thông báo nộp lệ phí trước bạ của cơ quan thuế. Nếu quá thời hạn kể trên mà người nộp thuế chưa nộp, thì mỗi ngày chậm nộp phải trả tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Trong khi đó, tại Điều 106 Luật Quản lý thuế 2006 và Luật về thuế sửa đổi 2016 quy định: Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp.
Như vậy, trong trường hợp người tiêu dùng mua xe tại thời điểm này và đợi quyết định chính thức phí trước bạ ưu đãi giảm 50%, nếu quá thời hạn 30 ngày mà không gia hạn nộp phí trước bạ, thì sẽ phải nộp phạt với mức 0,03%/ngày.
Lấy ví dụ, một mẫu xe tại Hà Nội có mức giá tính phí trước bạ là 1 tỷ đồng, tức là phải nộp 60 triệu đồng phí trước bạ ôtô mới đăng ký lần đầu tại Hà Nội (12%). Sau 30 ngày, mức phạt nộp chậm sẽ là 18.000 đồng/ngày, tức là khoảng 540.000 đồng/tháng.
Với các quy định này, người tiêu dùng có thể cân nhắc việc mua xe trước đợi phí trước bạ chính thức giảm. Tuy nhiên, dù là mua trước hay mua sau, trong khi đợi văn bản chính thức được ban hành, hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng về loại xe lắp ráp trong nước được hưởng ưu đãi này; đó là xe du lịch hay là xe thương mại (xe tải, xe khách…), hoặc thời gian mua xe nào sẽ được hưởng ưu đãi (trước hay sau đợt cách ly xã hội vào ngày 1/4/2020). Tất cả phải chờ các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Trong khi đó, nếu như các cơ quan Trung ương đưa ra một văn bản quy phạm pháp luật cho việc giảm phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước (là Nghị định nếu Chính phủ ban hành, là Thông tư nếu Bộ Tài chính ban hành) thì nhiều khả năng chỉ 2 tuần nữa là có văn bản công bố chi tiết về đợt giảm phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước. Theo quy định tại Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (Luật số 80/2015/QH13): Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương.
Cũng có trường hợp các văn bản này sẽ có hiệu lực ngay lập tức. “Nếu văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng”.
Theo Dân trí
Giá ô tô tháng 6, sức mua tăng, có xe đã bán "bia kèm lạc"
Phí trước bạ với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước chính thức giảm một nửa. Tuy nhiên sau quyết định này, xe lắp ráp dần hết khuyến mại, xe nhập có mẫu hiện đã bán "bia kèm lạc" khiến người tiêu dùng không khỏi ngỡ ngàng.