Trong vài tháng qua, hai biến thể nCoV được nhắc tới nhiều nhất là Alpha (ghi nhận lần đầu ở Anh) và Delta (ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ). Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lưu ý thêm về biến thể Lambda phổ biến ở Peru và xuất hiện ở 29 nước khác.
Một số báo cáo cho thấy chủng nCoV mới này có thể lây lan nhanh và làm giảm tác dụng của vắc xin.
Ảnh minh họa: Timesofindia
Sự phổ biến của Lambda
Biến thể Lambda còn được gọi là C.37, lần đầu tiên được phát hiện ở Peru vào tháng 12/2020. Kể từ đó, chủng nCoV này có mặt ở 30 quốc gia, 7 trong số đó ở Nam Mỹ.
Vào tháng 4 và tháng 5 năm nay, Lambda chiếm hơn 80% các trường hợp mắc Covid-19 ở Peru. Ở các nước Chile, Argentina và Ecuador, số ca nhiễm Lambda cũng khá cao.
Vào ngày 14/6, Lambda đã được WHO liệt kê là “biến thể cần quan tâm” do sự lây lan rộng rãi ở Nam Mỹ.
Các biến thể “cần quan tâm” có khả năng lây nhiễm và gây bệnh nghiêm trọng hơn, nhưng chưa có tác động tàn phá như các biến thể “gây lo ngại”.
Vào ngày 23/6, Y tế Công cộng Anh đã phân loại Lambda là “biến thể đang được điều tra”, sau khi phát hiện 6 ca bệnh liên quan đến việc đi du lịch nước ngoài.
Điểm khác biệt
Hiện WHO đã liệt kê 11 biến thể nCoV chính thức. Các biến thể được phân biệt bằng những đột biến trong protein gai - thành phần của virus giúp chúng xâm nhập vào tế bào của con người.
Ví dụ, biến thể Delta có hai đột biến quan trọng - T478K và L452R - giúp lây nhiễm dễ dàng hơn và né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tuần trước, Lambda có 7 đột biến.
Một nhóm nhà khoa học Chile đã phân tích mẫu máu của các nhân viên y tế ở Santiago, những người đã được tiêm hai liều vắc xin CoronaVac.
Họ phát hiện ra biến thể Lambda có một đột biến gọi là L452Q, tương tự như đột biến L452R trong các biến thể Delta và Epsilon.
Đột biến L452R được cho khiến Delta và Epsilon dễ lây nhiễm hơn và có khả năng kháng lại miễn dịch từ vắc xin. Nhóm nghiên cứu đánh giá, đột biến L452Q cũng có thể giúp Lambda lây lan xa và rộng.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học lại cho rằng đưa ra kết luận như trên là quá sớm.
Vắc xin có hiệu quả với biến thể Lambda không
Nghiên cứu cũng phát hiện ra dấu hiệu cho thấy các đột biến giúp biến thể Lambda có thể vượt qua phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Có những loại vắc xin bất hoạt tạo ra ít kháng thể trung hòa để phản ứng với Lambda. Tuy nhiên, theo ông Paul Griffin, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và vắc xin tại Đại học Queensland (Australia), những kháng thể này chỉ là một khía cạnh của khả năng miễn dịch.
Ngoài ra, các loại vắc xin dựa trên những công nghệ khác chưa được nghiên cứu về hiệu quả chống lại Lambda.
Một báo cáo gần đây từ Anh cho thấy hai liều Pfizer hoặc AstraZeneca có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện do biến thể Delta có đột biến gần giống Lambda.
An Yên (Theo ABC)
Lý do hiệu quả của vắc xin Covid-19 khác biệt giữa các nước
Thống kê ở Scotland cho thấy vắc xin đạt hiệu quả cao chống lại biến thể Delta dù chỉ tiêm 1 liều. Nhưng kết quả ở Anh không như vậy.