Những diễn biến trong chính trị nội bộ gần đây ở Bắc Kinh cho thấy một sự đồng thuận mới tại Trung Quốc về sự cần thiết phải bảo vệ và mở rộng các lợi ích biển chính của mình. Điều này có thể hủy hoại mục tiêu chính sách của Chính phủ Trung Quốc là cải thiện quan hệ với các nước láng giềng.

Các phiên họp thường niên gần đây của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC), tức Quốc hội Trung Quốc, và Hội nghị tham vấn chính trị và hiệp thương nhân dân (CPPCC) - hai sự kiện chính trị quan trọng nhất nước này - đã cho thấy tham vọng lớn của Trung Quốc và mối quan tâm đến việc bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc tại các vùng biển ở khu vực Đông Á.

Kinh nghiệm trong những năm gần đây cho thấy hai loại mục tiêu chính sách này có thể không tương thích với nhau và rất khó để duy trì một sự cân bằng giữa hai mục tiêu đó.

{keywords}
Kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm của Trung Quốc trên Quần đảo Hoàng Sa-Việt Nam (ảnh: aninhthudo.vn)

Các đề xuất siết chặt chính sách biển

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã tận dụng cơ hội trong các cuộc đại hội chính trị nói trên để đề nghị bảo vệ hiệu quả hơn các lợi ích biển của Trung Quốc. Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Đại Liên, cũng là một phó chủ tịch NPC, ông Wang Zhuwen đã chỉ ra rằng sự thiếu ý thức về biển đã hạn chế sự phát triển của sự nghiệp hàng hải của Trung Quốc. Vì vậy, ông đề nghị giáo dục về biển nên được đưa vào từ cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Tại Đại hội NPC, Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng hải quốc gia (SOA) Liu Cigui cho biết Trung Quốc có thái độ nghiêm túc về việc tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật trên biển. Ông nói các hoạt động tuần tra định kỳ của Trung Quốc hiện bao chùm toàn bộ các khu vực biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, trải dài từ cửa sông Áp Lục ở phía Bắc, qua vùng lõm Okinawa ở phía Đông, đến bãi đá ngầm Tăng Mẫu (James Shoal) ở phía Nam, tới các hình thái địa chất bao gồm bãi đá ngầm Socotra (Hàn Quốc gọi là Ieodo hoặc Parangdo), quần đảo Điếu Ngư (mà Nhật Bản gọi là Senkaku), bãi đá cạn Scarborough Shoal và quần đảo Trường Sa.

Chen Mingyi, một thành viên Ủy ban thường vụ CPPCC, gợi ý rằng Trung Quốc nên thành lập một Ủy ban Hàng hải Quốc gia để phối kết hợp chính sách biển của Trung Quốc. Ông cũng đề xuất Trung Quốc lên một kế hoạch dài hạn toàn diện nhằm biến nước này thành một cường quốc biển vào năm 2020 để bảo vệ tốt hơn các lợi ích của mình trong 3.000 km2 biển mà ông cho là của nước ông.

Thiếu tướng La Viện, một Phó Chủ tịch của CPPCC, đã thu hút sự chú ý nhiều hơn khi ông đề xuất Bắc Kinh nên sáp nhập các lực lượng thực thi pháp luật biển thành một lực lượng bảo vệ bờ biển quốc gia để bảo vệ các quyền và lợi ích về biển của Trung Quốc trước các thách thức ngày càng lớn tại biển Đông và biển Hoa Đông. Theo Thiếu tướng La, Trung Quốc cần nỗ lực trong 5 lĩnh vực chính sách tại biển Đông, bao gồm củng cố quyền tài phán hành chính, củng cố các nền tảng pháp lý cho yêu sách của mình, tăng cường sự hiện diện quân sự, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, và cải thiện khả năng định hướng dư luận quốc tế. Thiếu tướng La cũng đề xuất Trung Quốc xuất bản một Sách Trắng về vấn đề Biển Đông nhằm tạo một tài liệu toàn diện về các nền tảng pháp lý và lịch sử cho đòi hỏi của nước này tại biển Đông.

Tại một phiên họp của CPPCC, Tổng cục Phó Tổng cục Du lịch Quốc gia Wang Zhifa thông báo rằng Tổng cục đang phối hợp làm việc với tỉnh Hải Nam và các cơ quan chính quyền trung ương khác nhằm thúc đẩy du lịch tại quần đảo Hoàng Sa. Theo ông, làm như vậy sẽ tạo lợi thế cho việc bảo vệ yêu sách chủ quyền và an ninh biên giới của Trung Quốc.

Một số thành viên CPPCC đề xuất Trung Quốc nên tăng cường nỗ lực nhằm bảo vệ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku sau việc công bố chính thức tên của quần đảo này gần đây nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này. Ví dụ, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc nên đưa quần đảo Điếu Ngư vào chương trình dự báo thời tiết nhằm thể hiện rõ hơn chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này. Đề xuất này được Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Quốc gia Zheng Guoguang, cũng là một phó chủ tịch CPPCC, ủng hộ và cho là khả thi.

"Các vùng biển lãnh thổ"

Tuy nhiên, các mục tiêu và tham vọng của Trung Quốc đối với các vùng biển gần bờ là không rõ ràng. Truyền thông của Trung Quốc và các chuyên gia phân tích Trung Quốc mô tả tham vọng của nước này tại các vùng biển Đông Á cũng rất mập mờ. Ví dụ, họ khẳng định rằng Trung Quốc có quyền sở hữu 3.000 km2 biển gồm "lãnh hải", "lãnh thổ đại dương", "lãnh thổ biển" hay "các vùng biển lãnh thổ". Tại các hội nghị chính trị ở Bắc Kinh, Chính ủy Bắc hải Hạm đội của Hải quân PLA Wang Dengping cho rằng việc Trung Quốc sở hữu một tàu sân bay là đúng đắn bởi nước này sở hữu một khu vực biển rộng lớn - mà theo của ông là một vùng lãnh thổ hải dương rộng tới 3.000 km2. Khoảng 3.000 km2 này bao chùm hầu hết biển Đông và các vùng biển trong "đường chín đoạn" trên biển Đông.

Nhưng nhiều chuyên gia Trung Quốc về các vấn đề biển, đặc biệt là các luật sư về hàng hải, có thể sẽ không ủng hộ việc sử dụng các cụm từ trên để mô tả tham vọng của Trung Quốc tại các vùng biển Đông Á. Ngay cả các quan chức trong giới hoạch định chính sách đối ngoại cũng sẽ không ủng hộ cách định nghĩa mở rộng như vậy về các lợi ích biển của Trung Quốc.

Ví dụ về yêu sách tại biển Đông, có ít nhất một quan điểm chính thức không đồng ý với suy nghĩ đầy tham vọng của một số thành viên chóp bu của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã đưa ra nhận định sau ngày 29/2 vừa qua: "Cốt lõi tranh chấp biển Đông là các tranh chấp chủ quyền về quần đảo Trường Sa và các bãi đá ngầm cũng như việc phân định một số khu vực biển tại biển Đông. Cần phải nói rõ rằng không quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, có thể đòi chủ quyền đối với toàn bộ biển Đông".

Dù nhiều chuyên gia phân tích của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không phát triển một chiến lược biển rõ ràng, dường như không ai nghi ngờ về việc các lợi ích của Trung Quốc liên quan đến biển đang gia tăng nhanh chóng. Các bài diễn văn tại đại hội chính trị gần đây ở Bắc Kinh rõ ràng đã làm nổi rõ cảm giác về tính cấp thiết của việc Trung Quốc cần sử dụng các chính sách cứng rắn hơn trong lĩnh vực biển và tăng cường các nỗ lực biến mình thành một cường quốc biển.

Phương Anh - Kim Duyên