Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung là nhiệm vụ quan trọng, được UBND tỉnh Tây Ninh đặt trọng tâm trong Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025. Tỉnh đặt mục tiêu, đến năm 2025, Tây Ninh sẽ tái cấu trúc toàn bộ hạ tầng dữ liệu bao gồm:
Kiến trúc dữ liệu đối với những mảng dữ liệu quan trọng trong các hệ thống thuộc Chính quyền điện tử của tỉnh (từ cấp tỉnh đến các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố) thông qua việc triển khai và khai thác Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Từ đó các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố cần chuẩn hóa và tái cấu trúc lại các hệ thống thông tin đang vận hành và khai thác.
Hạ tầng dữ liệu đảm bảo nhu cầu cung cấp và khai thác thông tin. Ảnh: VietNamNet. |
Xây dựng kho dữ liệu dùng chung trên cơ sở vừa cung cấp dữ liệu phục vụ công tác điều hành, quản lý và dự báo, cũng như khai thác trực tiếp để xây dựng các ứng dụng mới. Hạ tầng dữ liệu cần đảm bảo được nhu cầu cung cấp và khai thác thông tin từ các hệ thống bên ngoài (hệ thống đô thị thông minh cũng như các tổ chức, doanh nghiệp).
Xây dựng phương án kết nối và sử dụng dữ liệu; tổ chức hệ thống thông tin tương thích để sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu Quốc gia; cơ sở dữ liệu của bộ, ngành và các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng sẽ phát triển các hệ thống nền tảng, bao gồm: Triển khai, mở rộng và hoàn thiện Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh, đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong tỉnh, với các bộ, ngành và với các tỉnh/thành phố khác khi đủ điều kiện. Xây dựng Hệ thống định danh và xác thực tập trung (SSO) phục vụ dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Xây dựng nền tảng khai thác dữ liệu trong Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh với các phương pháp học máy dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), khai phá dữ liệu. Xây dựng nền tảng phân tích dữ liệu kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về vấn đề phát triển dữ liệu, tỉnh tiếp tục xây dựng Cơ sở dữ liệu dùng chung về người dùng và Cơ sở dữ liệu về giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh. Xây dựng hệ thống xử lý nghiệp vụ nội bộ trên cùng một nền tảng Cổng. Xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu từ các mạng xã hội (khi đủ điều kiện theo quy định của cấp có thẩm quyền) với hệ thống Một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công của tỉnh về tiếp nhận một số thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Xây dựng hệ thống số hóa dữ liệu lưu trữ của Kho lưu trữ của tỉnh và các kho lưu trữ các ngành và của các địa phương trong tỉnh, từ đó có thể quản lý, khai thác dữ số liệu kể cả nội dung của văn bản lưu trữ. Cung cấp dữ liệu mở trên các lĩnh vực trọng điểm như du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông... để các tổ chức, doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu mở cung cấp các dịch vụ cho người dân.
Trước nhiệm vụ này, tỉnh lên kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra. Trong đó, thực hiện việc đăng tải, cập nhật, quản lý các thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu trong trường hợp cần thiết.
Tăng cường nghiên cứu, đề xuất triển khai Chương trình Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các giải pháp tích hợp, ứng dụng, sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI)...
Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) bằng công nghệ hiện đại, tiên tiến đảm bảo sẵn sàng tích hợp, chia sẻ dữ liệu công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh và kết nối với Trục tích hợp, chia sẻ Quốc gia (NGSP). 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Hoàn thiện tính năng của Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung nhằm tích hợp số liệu từ các nguồn cơ sở dữ liệu như mẫu thống kê báo cáo kinh tế xã hội, y tế, giáo dục, quan trắc môi trường, an toàn thông tin và hệ thống camera giám sát... đảm bảo kết nối đồng bộ với các cơ sở dữ liệu Quốc gia.
Minh Phúc