Một nhóm các nhà khoa học hóa sinh Đại học Arizona (Mỹ) đã phát hiện, muỗi sẽ chết nhanh chóng sau khi hút máu nếu một số thành phần protein nhất định trong cơ thể con côn trùng bị ức chế.

TIN LIÊN QUAN

Phát hiện này giúp tạo ra thêm một phương pháp hữu hiệu ngăn chặn các căn bệnh phổ thông như sốt xuất huyết, sốt vàng và sốt rét.

“Nếu chúng ta có thể giết chết muỗi ngay sau khi nó hút máu người lần đầu tiên, nó sẽ không thể đốt ai và lây lan bệnh tật lần hai. Đây là mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu”, giáo sư Roger Miesfeld thuộc Khoa hóa và hóa sinh Đại học UA, người đứng đầu nghiên cứu nói trên tờ Physorg.

Một con muỗi Anopheles gambiae đang hút máu người. Ảnh: Ucanr.

Những nghiên cứu trước đây cũng của nhóm các nhà khoa học này đã chỉ ra, hút máu có ý nghĩa sống còn đối với quá trình trao đổi chất của muỗi cái. Để duy trì nhu cầu của cơ thể, các loài côn trùng vốn dựa vào mật đường từ các loài hoa. Tuy nhiên khi đến thời gian đẻ trứng, chúng cần một lượng lớn protein. Chỉ những con muỗi cái mới hút máu người cùng các động vật máu nóng. Nếu con muỗi đã hút no máu, nó có thể sống được trong nhiều tuần và sẽ đẻ 5 chùm với 100 trứng mỗi chùm.

Để tiến hành nghiên cứu, nhóm giáo sư đã sử dụng muỗi vằn, xuất xứ từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Phi. Muỗi vằn là nguồn gây bệnh sốt xuất huyết, bệnh virus truyền nhiễm do muỗi phổ biến nhất hiện nay. Miesfeld cho biết hầu hết mầm bệnh (virus sốt) không di truyền từ muỗi mẹ sang muỗi con mà từ người lây nhiễm sang người lành. “Những con muỗi càng già càng nguy hiểm”.

Khi một con muỗi cái hút máu, các tế bào nằm trong ruột của nó tiết ra enzyme để phá hủy các protein máu người. Quá trình tiết enzym này bao gồm việc chia các enzym thành những giọt nhỏ được gọi là các túi bong bóng mà tế bào sau đó bài tiết vào ruột. Đây được gọi là quá trình ‘bóng vận chuyển’ (vesicle transport).

Khi ngăn chặn được quá trình bóng vận chuyển, con muỗi không thể tiêu hóa bữa ăn và sẽ chết trong vòng 48 giờ sau khi hút máu. Ngoài ra, “khi quá trình tiêu hóa bị ngăn cản, con muỗi cũng sẽ không thể hoàn thành chu kì sản xuất trứng”, Miesfeld nhấn mạnh thêm.

Theo các nhà nghiên cứu, mục đích cuối cùng của họ là nhằm phát triển một loại phân tử nhỏ có thể hoạt động như một chất ngăn cản quá trình bài tiết. Chất ngăn cản này sẽ là thuốc trừ muỗi hữu hiệu và không có bất kì tác động nào lên cơ thể con người.

Cách đơn giản nhất là tạo ra thuốc xịt hợp chất có phân tử đó, tương tự thuốc xịt côn trùng tác động vào hệ thống thần kinh của muỗi hiện nay. Một phương pháp tương đối phức tạp hơn là nén phân tử đó thành viên thuốc uống cho người, để con muỗi sẽ hút cả chất ngăn cản vào cơ thể nó khi nó hút máu.

Miesfeld minh họa bằng một ngôi làng trong vùng nhiệt đới vào mùa mưa. “Khi muỗi đẻ trứng hàng loạt, mọi người trong làng hẳn đã sẵn sàng. Ngay khi muỗi bắt đầu đi kiếm máu, họ sẽ dùng chất ngăn cản này và trước khi chúng hút trở lại và chúng sẽ chết hàng loạt. Qua vài mùa, hẳn tình hình muỗi và bệnh truyền nhiễm do muỗi của vùng sẽ khác hẳn”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học e ngại rằng hệ miễn dịch của muỗi sẽ có thể giúp “nhờn” thuốc khi dùng phương pháp này. “Chúng ta luôn cần nhiều cách tiếp cận diệt muỗi khác nhau”, Miesfeld khẳng định.

Phan Khôi