Cha mẹ có nên kiểm soát trẻ trên mạng?
Trong bối cảnh Covid-19, trẻ em ngày nay dành nhiều thời gian cho Internet để học tập và kết nối với thế giới xung quanh.
Thời gian sử dụng mạng càng nhiều, rủi ro trẻ em tiếp cận với nội dung độc hại, tác động tiêu cực của Internet và các mối nguy trên mạng luôn hiện hữu. Trong bối cảnh học tập từ xa vẫn đang là phương thức chính ở nhiều địa phương, nhiều bậc phụ huynh tại Việt Nam vô cùng lo lắng khi con em mình sử dụng phần lớn thời gian trên mạng Internet, trong khi còn thiếu sự kiểm soát của người lớn.
Cha mẹ cần dạy trẻ sử dụng Intenret có trách nhiệm. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh cũng cho rằng, trong thời đại Internet và xu hướng học tập trực tuyến như hiện nay, việc cấm hoặc hạn chế con sử dụng Internet sẽ làm mất đi cơ hội kết nối, tìm hiểu, khám phá thế giới và tiếp cận nguồn thông tin vô tận. Đồng thời, nhiều bậc cha mẹ cũng băn khoăn khi cho rằng sự kiểm soát của mình có thể khiến con cảm thấy mất đi sự tự do cá nhân.
Theo các chuyên gia, kiểm soát không phải là một giải pháp duy nhất để giữ an toàn khi trực tuyến, điều quan trọng là bạn cần liên tục trò chuyện với con về những nguy hiểm trên Internet và khuyến khích hành vi sử dụng mạng có trách nhiệm.
Các biện pháp kiểm soát của phụ huynh là bước quan trọng đầu tiên để giúp bảo vệ con khi trực tuyến. Dẫu vậy, việc giám sát của cha mẹ cũng cần tuân theo những nguyên tắc.
Theo thông tin từ CyberPurify Kids, Internet tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn, cha mẹ bắt đầu lo lắng hơn về tác hại của chúng đến con mình và khi có nhu cầu sẽ xuất hiện hàng loạt những công cụ tạo điều kiện cho cha mẹ theo dõi mọi hành động của con mình trên Internet.
Dẫu vậy, ranh giới giữa việc bảo vệ và xâm phạm quyền riêng tư của con rất mỏng manh. Để thoả mãn sự lo sợ của mình, nhiều cha mẹ phải trả giá rất đắt khi liên tục xem laptop, điện thoại, đọc tin nhắn/cuộc gọi của con, theo dõi từng hoạt động của con trên mạng xã hội. Điều này khiến cha mẹ không tôn trọng quyền riêng tư của con khi sử dụng mạng xã hội.
Hành vi này có thể khiến con bạn càng trở nên bí mật hơn khi cảm thấy mình luôn bị giám sát và tìm cách thoát ra. Khi con không tin tưởng và không chia sẻ với bạn bất kì điều gì nữa, lúc này con bạn càng có khả năng cao bị ảnh hưởng bởi những tác hại của Internet hơn bất kì đứa trẻ nào.
Dạy trẻ có trách nhiệm khi sử dụng mạng
Theo các chuyên gia của Fosi, các công dân số cần có được sự an toàn, đảm bảo và sự riêng tư cá nhân khi tham gia hoạt động trực tuyến.
Tri thức số thể hiện ở việc chúng ta nắm bắt cách thức hoạt động của các thiết bị, cách tải một ứng dụng, hay cài đặt những công cụ an toàn trực tuyến. Còn tri thức về thông tin, truyền thông nằm ở việc đánh giá những nội dung, tư liệu mà bạn đang xem, đang nghe, đang đọc.
Theo các chuyên gia, người dùng nói chung và trẻ em nói riêng cần biết đánh giá thông tin tiếp nhận. Chẳng hạn, đặt các câu hỏi: Chúng có thật hay không? Có đến từ những nguồn đáng tin cậy? Có thể thông tin này là sai, hoặc đến từ một trang tin mà tôi không thể tin tưởng, vậy làm thế nào để tôi đánh giá tính trung thực của nó.
Khi tham gia vào mạng Internernet, trẻ cần nhận thức được “quyền lợi” và “trách nhiệm”. Bạn có quyền lên mạng, tự do thể hiện quan điểm cá nhân, tự do truy cập và kết nối với nhau nếu muốn.
Đi đôi với mỗi một quyền lợi là trách nhiệm tương ứng. Đó là trách nhiệm với những lời nói, nội dung chia sẻ và hành động trên Internet.
Lời khuyên của các chuyên gia với các bậc phụ huynh là, trao đổi thẳng thắn và cởi mở với con trước khi bạn sử dụng bất kỳ công cụ kiểm soát phụ huynh tạo điều kiện cho cả hai bên cùng lắng nghe ý kiến của nhau và cùng trao đổi nếu như con cảm thấy một tính năng nào đó không cần thiết , chẳng hạn như việc theo dõi vị trí.
D.V (Tổng hợp)
Facebook và Instagram âm thầm theo dõi trẻ em
Kết quả nghiên cứu cho thấy Facebook và Instagram sử dụng công cụ theo dõi hoạt động của người dưới 18 tuổi trên các trang web.