“Hình ảnh người đàn ông rửa bát sẽ tác động đến nhận thức của cả nam và nữ để thấy rằng không có công việc nào là của riêng nam giới hay nữ giới, và vợ chồng hoàn toàn có thể cùng hỗ trợ giúp đỡ nhau để cuộc sống tốt đep hơn”, chuyên gia bình đẳng giới Võ Thanh Giang phân tích.


Nhiều người cho rằng, vì đàn ông không khéo tay nên không phù hợp với công việc nhà (đi chợ, nấu nướng, rửa bát, lau nhà, giặt quần áo...). Nhưng thực ra, đó chỉ là cái cớ để đàn ông “đùn đẩy” việc nhà cho phụ nữ.

Theo chuyên gia tâm lý Võ Thanh Giang (Trung tâm tư vấn tâm lý Link Tâm), những công việc nhà như rửa bát, lau nhà hay giặt quần áo thường là những công việc đơn giản, không đòi hỏi sự khéo tay hay phải có khả năng đăc biệt mới làm được.

Thực ra đây là công việc mà ai cũng có thể làm, có điều họ có thực hiện thường xuyên hay không mà thôi. Chăm hay không bằng tay quen, nếu công việc nhà là điều nam giới thường xuyên làm thì họ cũng có thể làm rất tốt.



Bà Giang phân tích: “Trên thực tế nhiều công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay như thợ may, tạo mẫu hay thợ cắt tóc hoặc đầu bếp mà rất nhiều nam giới đã thành công. Ví dụ như trên thế giới có rất nhiều nghệ nhân nấu ăn, nhà tạo mẫu, nhà thiết kế tóc là nam giơi. Điều đó cho thấy nam giới hoàn toàn có khả năng làm tốt những công việc đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận và tỉ mỉ.

Bởi vậy việc nói vì không khéo tay nên không làm được việc nhà chẳng qua chỉ là lý do để mấy ông chồng lười biếng, ỉ lại nêu ra để khiến vợ phải chấp nhận việc xao nhãng trách nhiệm chia sẻ với vợ việc nhà của cánh đàn ông mà thôi”.

Bà Giang cho rằng, hình ảnh người đàn ông rửa bát sẽ tác động đến nhận thức của cả nam và nữ để thấy rằng không có công việc nào là của riêng nam giới hay nữ giới, và vợ chồng hoàn toàn có thể cùng hỗ trợ giúp đỡ nhau để cuộc sống tốt đep hơn.

“Bình đẳng nam nữ trong gia đình thực chất không phải là bình đẳng theo kiểu cào bằng, 50/50 hoặc chồng nấu cơm thì vợ phải rửa bát. Trên thực tế bình đẳng chính là việc cả hai cùng chia sẻ, cùng hỗ trợ và giúp đỡ nhau trong mọi mặt của cuộc sống hôn nhân từ kiếm tiền, nội trợ, chăm lo giáo dục con cái...

Hôn nhân là sự kết nối tình cảm, tâm hồn giữa hai con người để cùng quan tâm, yêu thương, chia sẻ và vun đắp hạnh phúc. Bất cứ sự chia sẻ nào của cả vợ và chồng cũng đều khiến đối phương cảm thấy hạnh phúc”, bà Giang nói.



Với quan niệm ở Việt Nam xưa nay vẫn coi việc nôi trợ là của phụ nữ nên gánh nặng việc nước, việc xã hội khiến phụ nữ bị quá sức và mệt mỏi. Và việc được chồng chia sẻ, hỗ trợ việc nhà cửa, con cái là điều mong ước và hạnh phúc lớn lao đối với người vợ.

Tuy nhiên để giúp các đức ông chồng chịu khó chia sẻ việc nhà thì các bà vợ cũng nên khuyến khích động viên chồng giúp đỡ mình từ những việc làm đơn giản nhất như đổ rác, phơi quần áo…và nếu có kết quả không như ý thì cũng vẫn khen ngợi dộng viên để người chồng nỗ lực cô gắng hơn bởi mới bắt đầu làm việc nhà đa phần các ông chồng thường lúng túng và cũng không làm tốt ngay được.


“Tránh kêu ca, chỉ trích, phàn nàn, chê bai bởi điều đó chỉ khiến các ông chồng chây ì và chống đối. Người vợ có thể kêu gọi mọi thành viên trong gia đình cùng làm để tạo không khí vui vẻ cho cả gia đình như cùng con cái kêu gọi bố cùng tham gia dọn dẹp nhà, trang trí phòng ốc”, bà Giang đưa ra lời khuyên.

Trang Hạ: Chia sẻ chứ không phải cào bằng các đầu việc

Chồng hay vợ, hay cô ô sin làm việc nhà cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hạnh phúc gia đình!

Chỉ có người đàn ông tự cho phép mình nghỉ nghỉ ngơi bù khú bạn bè trong lúc vợ vất vả với những việc không tên ở nhà mới khiến hạnh phúc gia đình bị lung lay.

Vấn đề ở đây là chồng vợ cùng chia sẻ thời gian làm việc nhà mỗi ngày, chứ không phải cào bằng các đầu việc, anh phải đi chợ thì em mới nấu cơm, anh phải giặt giũ thì em mới phơi phóng.

Đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn! Muốn chứng minh đàn ông được vợ chăm sóc không phải như... chăm lợn, thì các ông hãy xắn tay rửa bát đi!

La Hoàn