Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về hành vi chung sống như vợ chồng và có con riêng:
Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nghiêm cấm hành vi:
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Trong đó, chung sống như vợ chồng được hiểu là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. (Theo khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Như vậy, hành vi ngoại tình có thể bị xử phạt hành chính đến 5 triệu đồng.
Trường hợp nào có thể bị xử lý hình sự?
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người có hành vi ngoại tình với người đã có gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 03 năm tù. Chi tiết như sau:
- Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
+ Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
+ Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Do đó, căn cứ theo điều khoản trên, hành vi chung sống như vợ chồng với người đã có gia đình là hành vi vi phạm pháp luật và tùy mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, về hành vi bạo lực gia đình đánh đập, chửi mắng:
Theo Điều 3 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022, quy định như sau:
Điều 3. Hành vi bạo lực gia đình
1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
Theo quy định trên, hành vi đánh đập, chửi mắng mẹ bạn của bố bạn là hành vi bạo lực gia đình. Trường hợp này mẹ bạn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền can thiệp giải quyết. Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022, người bị bạo lực có Quyền sau:
Điều 9. Quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình
1. Người bị bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình;
b) Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định của Luật này;
c) Được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý và trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tài sản;
e) Được thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, xử lý hành vi bạo lực gia đình;
g) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
h) Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
Hành vi bạo lực gia đình còn bị xử phạt vi phạm hành chính
Theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình được quy định như sau:
"1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này."
Theo đó, việc đánh đập gây thương tích cho vợ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời buộc xin lỗi công khai khi vợ có yêu cầu và chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc