- Học giả Mỹ Jerome A. Cohen kiến nghị: Kể cả TQ từ chối, các nước có tranh chấp chủ quyền với TQ vẫn nên kiện lên các tòa án quốc tế.
LTS: Hội thảo quốc tế "Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử", diễn ra ngày 20/6 tại Đà Nẵng quy tụ 34 học giả, chuyên gia nghiên cứu VN và quốc tế, thảo luận các chủ đề: Sự thật tranh chấp tại hai quần đảo và những tác động đến hòa bình, an ninh khu vực; Triển vọng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong tham luận của mình, GS. Jerome A. Cohen, Viện luật pháp Hoa Kỳ - châu Á, ĐH Luật New York, chỉ ra rằng nhiều tranh chấp liên quan đến Biển Đông quá phức tạp để cho phép những giải pháp đơn giản. VietNamNet giới thiệu những điểm nổi bật trong tham luận này.
GS. Jerome A.Cohen. Ảnh: ABC |
Ít nhất có 7 phương pháp giải quyết tranh chấp cần thiết để áp dụng trong những thời điểm, địa điểm và vấn đề khác nhau. Nhưng tất nhiên, theo nguyên tắc, đàm phán, bất kể là đa phương hay song phương, vẫn là giải pháp vượt trội. Nhưng, chúng ta đều thấy rõ ràng, đàm phán có những hạn chế, và luôn cần những giải pháp bổ sung - GS người Mỹ kiến nghị các quốc gia tranh chấp ưu tiên hơn vai trò của cơ chế xét xử và trọng tài quốc tế.
Chuyện các quốc gia, nhất là các cường quốc kể cả Mỹ, từ chối giải pháp này vì có thể mất kiểm soát đối với kết cục của những tranh chấp lớn nếu để một bên thứ ba độc lập đưa ra phán quyết, là bình thường. Nhưng như Philippines, một bên liên quan trên Biển Đông, đã nhận ra, lợi ích của việc này có thể lớn hơn những nguy cơ của nó, các nước khác cũng nên xem xét giải pháp này.
TQ nói đang chuẩn bị đàm phán với VN về giàn khoan Hải Dương 981, nhưng nhất quyết không đàm phán về tuyên bố chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa, trong khi đó mới là vấn đề trọng tâm của tranh chấp trên biển.
Hai nước đã đàm phán thành công biên giới trên bộ và phân định ranh giới trong Vịnh Bắc Bộ, nhưng TQ khăng khăng chủ quyền đối với các quần đảo là không cần đàm phán, không thừa nhận có tranh chấp đối với Hoàng Sa, giống như họ đã làm với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Nhật Bản. TQ cũng loại bỏ vai trò của ASEAN nếu khối này có ý định can dự.
Cũng do sự bất đồng và thiếu tin trưởng lẫn nhau giữa hai bên mà giải pháp "gác tranh chấp, cùng khai thác" khó khả thi.
Khả năng dùng vũ lực là không loại trừ về phía TQ, vì họ đã làm vậy năm 1974 với quần đảo Hoàng Sa và năm 1988 trên đảo Gạc Ma. Hiện giờ tiềm lực quốc quân sự của TQ đã lớn hơn nhiều, tỉ lệ thuận với thái độ cứng rắn trong các tuyên bố chủ quyền.
Đó chính là lý do tháng 1/2013, Philippines, ở hoàn cảnh giống VN hiện nay, đã kiện TQ theo đúng cơ chế của Công ước LHQ (UNCLOS) về luật Biển mà ba nước đều là thành viên, không chỉ để lên tiếng mạnh mẽ hơn mà còn để có một phán quyết độc lập về các tranh chấp trên biển giữa hai nước.
Luật pháp quốc tế còn giúp tránh những hành động bạo lực, chiến tranh và những hệ quả đối với thương mại, du lịch... Phán quyết của bên thứ ba cũng không phải lúc nào cũng là "được ăn cả ngã về không" nếu như đó là lo ngại của giới cầm quyền.
Đáng buồn là TQ đã phủ nhận vai trò của tòa án, từ chối đáp lại Philippines, muốn tự mình phán xét tất cả. Nhưng may là UNCLOS cho phép việc xét xử vắng mặt. Nếu tòa đi đến phán quyết, TQ sẽ phải chọn tôn trọng tòa hoặc để cả thế giới lên án họ.
Vì tuyên bố đường chín đoạn của TQ không nhận được sự ủng hộ của cả các nước Nhật Bản, Mỹ, vì nó thâu tóm một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới.
VN gặp nhiều khó khăn hơn Philippines, hay Nhật và Mỹ, trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ của tòa án quốc tế. Nhưng trước việc TQ hạ đặt giàn khoan, ngày càng nhiều tuyên bố chính thức cho thấy Chính phủ VN đang cân nhắc động thái này.
Ví dụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 22/5, trả lời báo chí quốc tế trong chuyến thăm Manila, đã nói: “VN đang cân nhắc nhiều phương án tự bảo vệ khác nhau, kể cả các hành động pháp lý trong khuôn khổ luật pháp quốc tế".
VN có thể lựa chọn ít nhất là hai hình thức "hành động pháp lý": Tòa án công lý quốc tế (ICJ) mà TQ có thể từ chối tham gia, hoặc Tòa trọng tài về luật Biển như Philippines đã làm.
Việc TQ từ chối tham gia các vụ kiện này, và chỉ chịu đàm phán song phương về vấn đề chủ quyền, cho thấy TQ, vốn mạnh hơn bất cứ nước láng giềng nào ở Đông Nam Á, đang tìm cách tối đa hóa các lợi thế của mình về chính trị, kinh tế và quân sự, đồng thời giảm thiểu tác dụng của luật pháp quốc tế.
Nếu TQ cứ quay lưng với các thể chế pháp lý quốc tế, các nước láng giềng sẽ buộc phải tăng cường hợp tác quốc phòng, tìm kiếm sự giúp đỡ lớn hơn từ ngoài khu vực như Mỹ và Nhật, và sẽ lại khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng.
Chung Hoàng (lược dịch từ The Diplomat)